Bên bờ vực chiến tranh với Nga, các loại tên lửa mới đang được cấp tốc trang bị cho quân đội Ukraine có thể đảo ngược tình thế?
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine ngày càng căng thẳng, quân đội Ukraine đang gấp rút trang bị các loại vũ khí mới để chuẩn bị cho cuộc tấn công tiềm tàng của Ukraine.
Dự kiến vào tháng 04/2022, quân đội Ukraine sẽ triển khai hoạt động đầy đủ cho tiểu đoàn tên lửa hành trình chống hạm R-360 Neptune đầu tiên. Tiểu đoàn này sẽ được trang bị 72 tên lửa hành trình chống hạm cận âm, có khả năng bay thấp sát mặt biển để giữ bí mật.
Theo nhiều nguồn tin, quân đội Ukraine đã hợp đồng với Cục Thiết kế Luch (nhà sản xuất tên lửa chống hạm Neptune) để đưa 3 tiểu đoàn vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu trước năm 2025. Theo các quan chức quốc phòng Ukraine, nước này muốn sở hữu ít nhất 5 tiểu đoàn tên lửa Neptune.
Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố: "Tên lửa Neptune là một sự phát triển đầy hứa hẹn của Ukraine, và nếu sản xuất hàng loạt, thì có thể trở thành một biện pháp răn đe đáng kể, vì chúng có khả năng tiêu diệt không chỉ các mục tiêu hạm tàu, mà còn cả các mục tiêu mặt đất".
"Tôi nghĩ rằng việc Ukraine phát triển tên lửa tầm xa là rất quan trọng và chắc chắn là một yếu tố thúc đẩy các mối đe dọa và hoạt động hiện tại của Nga", Rob Lee, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại chuyên về lực lượng vũ trang Nga cho biết.
"Nếu Ukraine nhận được khả năng (tên lửa) đó, thông qua phát triển trong nước hoặc từ nước ngoài, sự leo thang (quân sự) của Nga sẽ có rủi ro lớn hơn, vì Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào các thành phố, cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc các căn cứ quân sự lớn của Nga", ông Lee nói với Coffee or Die Magazine. "Vì vậy, điều này có thể sẽ làm giảm sức mạnh của những nỗ lực cưỡng ép trong tương lai của Nga".
Quân đội Ukraine cấp tốc trang bị tên lửa mới: “Cần vươn đến toàn bộ lãnh thổ Nga”! - Ảnh 2.
Tên lửa chống hạm Neptune bắn thử năm 2019
Theo các quan chức quân sự Ukraine, tiểu đoàn tên lửa hành trình chống hạm Neptune đầu tiên của nước này sẽ được triển khai dọc theo bờ biển phía nam Biển Đen và biển Azov của Ukraine. Có thể dự đoán chúng được triển khai để chống lại một cuộc đổ bộ tiềm tàng của hải quân Nga.
Mykola Bielieskov, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine cho rằng tiểu đoàn này sẽ là "mục tiêu ưu tiên" của các lực lượng quân sự Nga khi xảy ra chiến sự.
Tuy nhiên, ông Bielieskov cũng chia sẻ với Coffee or Die Magazine: Các tiểu đoàn tên lửa chống hạm Neptune "sẽ không cứu được Ukraine, vì chúng sẽ là một trong những thứ đầu tiên bị Nga tìm thấy và phá hủy".
Gần đây, Nga đã tăng cường tập trung binh lực ở biên giới Ukraine, với tổng quân số lên đến 120.000 người, làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công lớn vào dịp đông xuân 2021-2022.
Giữa mối đe dọa hiển hiện đó, kho vũ khí tên lửa đang phát triển của Ukraine không đủ mạnh để xoay chuyển một cuộc tấn công toàn diện của Nga.
Mặc dù vậy, những tên lửa mới được biên chế sẽ làm tăng rủi ro cho lực lượng quân sự Nga. Nói tóm lại, Moskva càng chờ đợi lâu thì sẽ càng phải trả giá đắt trong một cuộc chiến tranh tương lai.
"Khi nước Nga đánh giá và phân tích chi phí lợi ích của việc sử dụng vũ lực ở Ukraine ngay bây giờ, một yếu tố quan trọng là Ukraine hiện đang thiếu khả năng tấn công tầm xa thực sự, điều này hạn chế khả năng răn đe thông thường của nước này", Lee, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường King's College London cho biết.
"Cởi trói" INF, Ukraine thỏa sức phát triển tên lửa
Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 đã thúc đẩy Kiev nhanh chóng thúc đẩy các chương trình tên lửa nội địa. Tuy nhiên, theo các điều khoản của thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời kì Chiến tranh Lạnh, trước năm 2019 Kiev đã không thể phát triển các tên lửa có khả năng răn đe đáng kể đối với Nga.
Cụ thể: Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty - INF) do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev kí vào năm 1987 đã cấm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500km.
Là một quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, Ukraine đã tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước INF và ngừng hoạt động kho tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của mình.
"Mặc dù về mặt chính thức không phải là một bên tham gia Hiệp ước INF, Ukraine đã tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của INF trong suốt thời gian tồn tại", Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết trong một thông cáo vào tháng 08/2019.
Năm 2019, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước INF, sau khi xác định rằng Nga đã phát triển và triển khai tên lửa vi phạm giới hạn của hiệp ước trong nhiều năm. Sau sự sụp đổ của INF Ukraine được tự do phát triển tên lửa mà không có bất kỳ giới hạn tầm bắn nào.
"Các văn phòng thiết kế và ngành công nghiệp của chúng tôi không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ hạn chế nào liên quan đến tầm bắn tên lửa", Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết vào tháng 03/2019.
"Điều này có nghĩa là vấn đề tạo ra các tên lửa tầm xa có độ chính xác cao có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa phía sau phòng tuyến của kẻ thù đã nằm trong chương trình nghị sự (của chính phủ Ukraine)".
Quá trình phát triển của tổ hợp tên lửa hành trình Neptune được công bố vào năm 2014, trước khi Hiệp ước INF sụp đổ. Vào tháng 8/2020, sau nhiều năm thử nghiệm, quân đội Ukraine đã chính thức phê duyệt tên lửa này để sử dụng trong trực chiến "nhằm chống lại sự xâm lược của Nga ở Biển Đen và Azov".
Tên lửa hành trình Neptune được phóng bằng một tên lửa khởi động nhiên liệu rắn, và sau đó chuyển sang động cơ phản lực trong suốt hành trình. Được thiết kế dựa trên tên lửa chống hạm Kh-35 Uran của Liên Xô, tên lửa Neptune có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và mặt nước trong khoảng 280km.
Tuy nhiên, sau khi INF sụp đổ, những sửa đổi trong thiết kế có thể tăng tầm bắn của Neptune lên khoảng 500km (vốn nằm trong phạm vi nghiêm cấm của Hiệp ước INF trước đây).
Song song với đó, Văn phòng thiết kế Yuzhnoye của Ukraine cũng đã phát triển một tên lửa đạn đạo có tên Grom-2, có tầm bắn tối đa (sau sửa đổi) hơn 500km.
Ngoài các bệ phóng trên mặt đất và trên biển, vào tháng 12/2020, quân đội Ukraine đã bắt đầu nghiên cứu phiên bản tên lửa Neptune phóng từ trên không, để trang bị cho máy bay ném bom Su-24.
Vào tháng 10/2021, Cục Thiết kế Luch đã công bố phiên bản radar nâng cấp của tên lửa hành trình Neptune để tấn công các mục tiêu mặt đất. Hải quân Ukraine cũng đang có một hệ thống huấn luyện chiến đấu phóng tên lửa Neptune đang hoạt động.
Trao đổi với Coffee or Die Magazine, Stephen Blank, chuyên gia cấp cao về Nga tại Viện Hòa bình Mỹ cho rằng "Bất cứ sự tăng cường sức mạnh nào của Ukraine đều bị Moskva xem như mối đe dọa".
Theo các điều khoản của Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô, cũng như tên lửa đạn đạo liên lục địa và phi đội máy bay ném bom chiến lược, để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, Nga và Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, khi Nga vi phạm các điều khoản của Bản ghi nhớ Budapest bằng cách xâm chiếm lãnh thổ Ukraine vào năm 2014, Mỹ và Anh đã không can thiệp. Điều này khiến Ukraine hồi sinh tham vọng tên lửa của mình.
Trả lời phỏng vấn vào tháng 04/2020, Trung tướng Ihor Romanenko, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine nhận xét: "Ukraine cần những tên lửa với tầm bắn ít nhất vươn đến dãy núi Urals (của Nga) và xa hơn là bao phủ toàn bộ lãnh thổ nước Nga. Những tên lửa như vậy sẽ được coi là một biện pháp răn đe".
VietBF @ Sưu tầm