Dương Quý Phi, một trong tứ đại mỹ nhân cổ đại, thường tắm suối khoáng nóng, không bôi trát lòe loẹt lên mặt.
Dương Quý Phi (719-756) tên Dương Ngọc Hoàn, được hoàng đế Đường Huyền Tông phong quý phi năm 745. Theo CCTV, nàng giỏi ca múa, tường âm luật, là tài năng hiếm có trong số hàng vạn phi tần, cung nữ qua các triều đại phong kiến Trung Quốc. Dương Quý Phi xinh đẹp, ngoài nhờ trời phú, còn do bà có các phương pháp làm đẹp riêng.
Tranh vẽ Dương Quý Phi của họa sĩ Nhật Bản Nagasawa Rosetsu (1754 - 1799). Ảnh: Sohu
Mỹ nhân không trang điểm đậm như nhiều phi tần đương thời mà chỉ tô điểm nhẹ, tôn vẻ đẹp tự nhiên. Thời bà sống, son phấn trang điểm thường chứa chì, thủy ngân, sử dụng lâu dài dễ bị nhiễm độc mãn tính, để lại vết thâm nám trên da mặt, lão hóa nhanh. Trước khi thành quý phi, bà từng là đạo sĩ, vì thế tránh xa lối tô điểm lòe loẹt, nhờ vậy thoát được hiểm họa nhiễm độc.
Bà thường xuyên tắm suối khoáng nóng, vỗ nhẹ lên da, nhất là vùng mặt. Hoa Thanh Trì là suối khoáng nóng dành cho bậc vua chúa, tọa lạc tại Cung Hoa Thanh - khu vui chơi của vua và các phi tần, nay là địa điểm du lịch ở tỉnh Thiểm Tây. Bấy giờ, quý phi cho rằng tắm suối khoáng nóng có tác dụng trừ tà khí, tránh nhiễm ôn dịch. Còn theo các nghiên cứu khoa học hiện đại, ngâm khoáng nóng là sự kết hợp giữa ba phương pháp trị liệu: thủy trị liệu, nhiệt trị liệu và khoáng trị liệu, giúp thư giãn, lưu thông máu...
Khi tắm, Dương Quý Phi còn thường cho một số loại vỏ cây, lá vào nước, xoa bóp bấm huyệt. Bà còn làm đẹp bằng hỗn hợp chứa hạnh nhân. Một số truyền thuyết nói Dương Quý Phi còn có các bài thuốc giúp vòng một đầy đặn. Thời Đường, phụ nữ chuộng vẻ đẹp đầy đặn, tròn trịa, nhan sắc Dương Quý Phi được các cung nữ miêu tả đẹp đến mức "hoa cũng phải thẹn".
Vẻ đẹp của bà đi vào nhiều tác phẩm văn học bất hủ, trong đó có có chùm thơ Thanh bình điệu của "Tiên thơ" Lý Bạch. Bài đầu, tác giả lấy hình tượng hoa mẫu đơn để ví vẻ đẹp của quý phi, với ý thơ: "Nhìn mây nhớ xiêm y lộng lẫy của nàng, nhìn hoa nhớ dung nhan yêu kiều của nàng". Ngoài thơ ca, nhạc họa, hàng chục tác phẩm điện ảnh về Dương Quý Phi ra đời, khiến hình tượng bà được phổ biến rộng rãi ở châu Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á...
Chuyện tình Dương Quý Phi, Đường Huyền Tông gắn liền nhiều câu chuyện về tột đỉnh vinh hoa của thời Đường giai đoạn cực thịnh. Nhưng sự si mê, sủng ái của vua Đường với quý phi bị nhiều người cho là nguyên nhân dẫn đến sự suy vong. Năm 756, do An Lộc Sơn tạo phản, Đường Huyền Tông đưa Dương Quý Phi bỏ chạy khỏi kinh thành. Cái chết của Dương Quý Phi còn là bí ẩn.
Theo sách Tân Đường Thư và Cựu Đường Thư, tướng sĩ của Đường Huyền Tông bức nhà vua ban chết cho Dương Quý Phi, họ mới chịu phò tá cứu nhà Đường. Bất đắc dĩ, Đường Huyền Tông đành cho người thắt cổ ái thê. Một số truyền thuyết lại nói Dương Quý Phi bị kẻ thù giết trong quá trình chạy trốn hoặc quý phi được đưa lên thuyền đến sinh sống ở một nước khác.