Thung lũng Panjshir không chỉ có máu và nước mắt mà còn ẩn chứa cơ hội làm giàu. Nhưng có vẻ như cơ hội đó đang dần khép lại.
CÂU CHUYỆN CỦA 1 CỰU BINH LIÊN MINH PHƯƠNG BẮC Ở PANJSHIR
Thung lũng Panjshir từng là một trong các căn cứ địa quan trọng nhất của Liên minh Phương Bắc (NA) - một lực lượng mạnh với 62.326 tay súng.
Không lâu sau khi Mỹ và đồng minh xâm lược Afghanistan, NA đã giải giáp trong chương trình DDR (Giải trừ quân bị, xuất ngũ và tái hòa nhập).
Đa phần cựu binh NA và đã trở về miền núi phía bắc Afghanistan - không phải vì họ chọn sự khó khăn - mà vì họ không có đủ kỹ năng và trình độ học vấn để tìm việc làm ở các đô thị.
Haji Alam (tên nhân vật đã được thay đổi vì mục đích an toàn) là một người như vậy. Khi còn trẻ anh đã phải bỏ học và cầm súng chiến đấu chống lại Quân đội Liên Xô và sau đó Taliban vào giữa những năm 1990.

Các tay súng Liên minh Phương Bắc (NA) trên đà tấn công Thủ đô Kabul vào năm 2001.
Alam đã từng dành phần lớn cuộc đời của mình để chạy từ ngọn núi này sang núi khác - còn hiện tại anh ấy đã chọn ở lại một địa điểm duy nhất cho một mục đích khác - nỗ lực vì một cuộc sống ý nghĩa cho gia đình của mình.
"Tôi đã ở đây 15 năm qua. Tôi cảm thấy nó tốt hơn nhiều so với ở chiến trường; Tôi có thể kiếm sống và có thể cho con đi học. Dù khó khăn nhưng sẽ không có gì đến nếu chúng ta không phấn đấu", anh nói.
Panjshir sở hữu một trong những viên Emerald (Ngọc lục bảo) tốt nhất trên thế giới. Hàng trăm người (đa số là cựu chiến binh NA) đang tham gia khai mỏ ở Panjshir - ngành kinh doanh duy nhất có hiệu quả kinh tế ở khu vực.
Sau khi hạ vũ khí, Alam cũng trở thành một chủ mỏ, thu hút các cổ đông cùng khai thác Emerald từ những ngọn núi quen thuộc với anh.
Một cựu binh NA khác có tên Mahiuddin - người từng là một đứa trẻ khi cha anh thiệt mạng khi chiến đấu với quân Liên Xô và sau đó anh đã tham gia cuộc kháng chiến chống lại Taliban những năm 1990 - bình luận:
"Không giống như bất kỳ tỉnh nào khác của Afghanistan, Panjshir không có đất nông nghiệp. Chúng tôi có thể làm gì sau khi hạ vũ khí?
Chúng tôi mệt mỏi với chiến tranh, đổ máu và cũng giống như những người khác muốn có một cuộc sống đàng hoàng. Vì vậy, khai thác mỏ là cách của chúng tôi để thoát khỏi cuộc sống khốn khổ vì nghèo đói".
CHIẾN TRANH VẪN KHÔNG BUÔNG THA
Gần như ngay sau khi tiếp quản Thủ đô Kabul của Afghanistan vào ngày 15/8, Taliban đã hành quân tấn công Thung lũng Panjshir, thành trì của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF), đánh chiếm các khu vực xung quanh và đưa nó vào tình trạng phong tỏa hoàn toàn.
Haji Alam nhớ lại: "Khi cuộc tấn công (của Taliban) vào Panjshir được phát động, tôi đang ở Kabul. Tôi đã cố gắng tham gia phong trào (NRF), nhưng tất cả các con đường đều bị chặn và tôi không thể đi đâu được".
Vào ngày 6/ 9, Taliban đã chiếm được Bazarak, thủ phủ của Tỉnh Panjshir và tuyên bố chiến thắng toàn diện. Tuy nhiên, NRF thường xuyên đăng video và hình ảnh về các tay súng của họ tiếp tục chiến đấu Panjshir.
Alam hiện vẫn đang bị mắc kẹt ở Kabul và việc kinh doanh của anh ở Panjshir cũng đã bị dừng lại:
"Kể từ khi Kabul sụp đổ, hầu hết các cổ đông đã mất khả năng thanh toán. Bên cạnh đó lệnh phong tỏa (của Taliban) đối với Panjshir đã được tăng cường và chúng tôi sẽ phải giá gấp đôi cho mọi thứ. Chính vì vậy, việc khai mỏ gần như đã dừng lại".
Khác với Alam, Mahiuddin vẫn ở Panjshir khi chiến sự bùng phát: "Tôi vẫn ở đây. Taliban đang ở trung tâm huyện, nhưng không ở trong các thung lũng".
Được biết khi cuộc kháng chiến bắt đầu, Mahiuddin đã gia nhập một đơn vị địa phương, nhưng nhanh chóng nhận ra sự khác biệt với cuộc chiến gần nhất: "Một số chỉ huy đã bỏ cuộc mà không kháng cự, nhưng một số khác đã chiến đấu dũng cảm".
Khi NRF phân tán ở vào các thung lũng khác nhau, Mahiuddin đã chọn trở về cuộc sống bình thường của mình.
Mặc dù vẫn còn bận rộn với việc khai thác, sự hiện diện của Taliban đã mang lại một số thách thức cho công việc của Mahiuddin:
"Chúng tôi không thể mua thuốc nổ nữa vì Taliban nghĩ rằng chúng tôi đang hỗ trợ NRF.
Taliban hiện đã một lần nữa nắm quyền kiểm soát gần như hoàn toàn - tôi hy vọng họ đã nhận ra rằng Afghanistan đã thay đổi và mọi người muốn quyền của họ".
KẾT LUẬN
Hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về sự thay đổi trong cách điều hành của Taliban so với thời kỳ cầm quyền trước đó, nhưng sẽ không dễ dàng để nhóm Hồi giáo cực đoan lèo lái "con tàu đắm" là chính phủ và nền kinh tế Afghanistan.
Tài sản của Afghanistan ở nước ngoài bị đóng băng, nền tài chính gần như sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp và đói nghèo đang tăng mạnh. Trong khi đó, Taliban đang tập trung vào việc đạt được sự công nhận của quốc tế và tính hợp pháp - điều có thể mất nhiều thời gian hơn họ tưởng tượng.
Alam kết luận: "Nếu họ (Taliban) tiếp tục hành vi thô bạo của mình khi đất nước lâm vào tình cảnh khốn cùng, thì sớm muộn gì người dân trên toàn quốc cũng sẽ nổi dậy chống lại họ".
VietBF @ Sưu tầm