Nhà báo Hàn Ni gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, khiến các chuyên gia pháp lý đã có những phân tích xung quanh vụ việc nhà báo Hàn Ni tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng đang gây xôn xao dư luận.
Quy trình xác minh vụ việc nhà báo Hàn Ni tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng
Như PV đã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã làm việc với bà Đặng Thị Hàn Ni (phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng) liên quan đến nội dung tố giác bà Nguyễn Phương Hằng.
Trước đó, bà Hàn Ni gửi đơn tố cáo bà Hằng về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bà Hàn Ni gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng (phải) về hành vi vu khống, làm nhục người khác. Ảnh chụp màn hình.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt về các diễn biến mới nhất của vụ việc, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật quy định quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến.
Bởi vậy mọi người đều có quyền bây giờ bày tỏ quan điểm, thái độ của mình đối với các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên việc bày tỏ quan điểm thái độ phải trên cơ sở các quy định của pháp luật, không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân.
Nếu lợi dụng tự do ngôn luận để xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Khi có đơn thư tố cáo, tố giác về hành vi vu khống, làm nhục người khác, người có đơn thư có trách nhiệm phải xuất trình các tài liệu, chứng cứ để chứng minh là mình đã bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm.
Theo Tiến sĩ Cường, trong vụ việc nhà báo Hàn Ni tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nội dung các buổi livestream của bà Hằng xem có những lời lẽ, hành vi nào xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhà báo này hay không, nếu có thì tùy tính chất mức độ đến đâu để xem xét áp dụng chế tài theo quy định pháp luật.
Căn cứ vào thông tin mà người tố cáo cung cấp, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được và các tài liệu chứng cứ từ phía các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra sẽ kết luận có hành vi vu khống hay không, tính chất mức độ của sự việc đến đâu để có quyết định giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm chứng minh tội phạm phải chứng minh hành vi vi phạm thuộc về cơ quan chức năng.
Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật để thu thập các tài liệu chứng cứ, làm rõ sự việc để có kết luận đúng đắn.
Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ việc bà Hàn Ni tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng, sau khi xác minh các nội dung thông tin có liên quan, nếu có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự về tội "Vu khống" theo điều 156 Bộ luật hình sư 2015 và xử lý người vi phạm theo quy định.
Trong trường hợp xác minh tin báo tố giác tội phạm mà kết quả xác minh cho thấy hành vi không cấu thành tội phạm hoặc không có hành vi vi phạm pháp luật, sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án.
Tội vu khống có mức phạt thế nào?
Luật sư Hòe cho biết, vu khống là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Tội này có 3 khung hình phạt, trong đó khung cao nhất lên đến 7 năm tù. Hình phạt bổ sung là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trong một số buổi livestream của mình bà Nguyễn Phương Hằng cáo buộc bà Ni phản động, tống tiền doanh nghiệp... Ảnh: Chụp màn hình.
Vị luật sư phân tích, một người chỉ bị coi là phạm tội vu khống khi có một trong các hành vi sau: Hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác
Hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội đã tự bịa ra, đặt ra những điều không đúng sự thật, có nội dung xuyên tạc và lan truyền nó để nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Hình thức để đưa ra những thông tin nói trên có thể dưới các dạng khác nhau như: Nói trực tiếp, thông qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc các phương thức khác
Hành vi thứ hai là loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác
Hành vi này tuy người phạm tội không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác nhưng biết rõ đó là bịa đặt (đây là dấu hiệu bắt buộc) nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt đó cho người khác.
Người loan truyền phải biết rõ điều mình loan truyền là không có thực nếu họ còn bán tin bán nghi thì cũng chưa cấu thành tội vu khống.
Việc loan truyền này có thể dưới nhiều hình thức khác nhau như: kể lại cho người khác nghe, đăng bài, tin trên phương tiện thông tin đại chúng…
Hành vi thứ ba là bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
"Xét theo hành vi thứ 3 ở trên, có thể thấy trong vụ việc nhà báo Hàn Ni tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng, nếu cơ quan điều tra xác định bà Hằng không có hành vi phạm tội, việc bà Ni tố cáo là bịa đặt thì bà này cũng có thể bị xử lý về hành vi vu khống" – vị luật sư nhấn mạnh.
Gần đây, bà Đặng Thị Hàn Ni thường được nhắc đến trong các livestream của bà Nguyễn Phương Hằng.
Trong đó, bà Phương Hằng cáo buộc bà Ni phản động, tống tiền doanh nghiệp, nói xấu bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, bảo vệ ông Tất Thành Cang...
Đây không phải là lần đầu tiên bà Phương Hằng bị kiện, trước đó, nhiều nghệ sỹ như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Vi Oanh… nộp đơn tố cáo vì cho rằng bà Hằng có hành vi vu khống, xúc phạm danh dự người khác trên mạng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Cơ quan công an cho biết, đang xác minh các đơn tố cáo và sẽ thông tin sau.