Măng là một thực phẩm ưa thích của người dân Việt Nam ở cả nông thôn lẫn thành thị. Tuy nhiên, việc sử dụng măng tươi không đúng cách lại hết sức nguy hiểm. Bởi, măng tươi chứa rất nhiều Cyanide – một độc tố có khả năng gây ngộ độc cho con người.
Nguy cơ ngộ độc măng
Theo các chuyên gia thực phẩm, độc tố gây ngộ độc là Cyanide, đây là một gốc axít mà hợp chất của nó gồm các muối hoặc axit. Trong măng tươi có hàm lượng Cyanide rất cao, khoảng 230mg/kg măng củ. Khi người ăn phải măng tươi có chứa nhiều Cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, Cyanide ngay lập tức biến thành axít cyanhydric, là một chất cực độc đối với cơ thể. Mỗi kg măng củ có chứa 230mg cyanide, có thể gây tử vong cho 2 đứa trẻ hơn một tuổi ngay lập tức.
Người bị ngộ độc do sử dụng măng tươi không qua quá trình ngâm luộc, hoặc uống nước luộc măng. Trẻ em và người suy dinh dưỡng bị ngộ độc nặng hơn. Cyanid trong măng được hấp thụ nhanh qua đường tiêu hóa vào máu rồi đến các cơ quan.
Ngộ độc măng xảy ra sau ăn từ vài phút đến vài giờ tùy theo mức độ ngộ độc. Ngộ độc nặng khi xuất hiện các triệu chứng sớm như: Đau đầu, nôn, khó thở, lẫn, tụt huyết áp, hôn mê, co giật và sốc. Hơi thở có thể có mùi quả hạn đắng, trường hợp ngộ độc nhẹ có thể xảy ra sau ăn vài giờ.
Khi có các triệu chứng nêu trên cần lập tức đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, đồng thời báo ngay cho các cơ quan chức năng.
Phòng tránh thế nào?
Để tránh ngộ độc khi ăn măng, sơ chế là khâu quan trọng để tẩy chất độc tự nhiên trong măng. Nên rửa và ngâm măng trong nước muối hoặc nước vo gạo khoảng 30 phút - 45 phút, sau đó luộc ít nhất 2- 3 lần nước trong vòng 15 - 20 phút. Trong quá trình luộc, nên mở vung để chất độc bay hơi. Khi luộc thay nước nhiều lần, ngâm măng đủ thời gian trước khi sử dụng.
Khi chọn măng tươi thì chọn những củ có hình thô, to nhỏ đều nhau,không cong giòn nhưng không non, không có lá vàng, không héo, lá nát, bề mặt không có đốm, vỏ mỏng. Trường hợp măng có màu vàng trắng bất thường, có mùi hôi thì không nên sử dụng.
Không nên ăn quá nhiều măng tươi trong 1 tuần. Người già trẻ em người mới ốm dậy nên hạn chế ăn măng tươi.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mạn tính như bệnh thận, đau dạ dày và gút… cũng không nên ăn măng vì những thành phần trong măng gây bất lợi cho tình trạng bệnh.