Ai cũng biết là thuốc men thường có những tác dụng phụ mà người sử dụng thuốc không muốn thấy xảy ra. Một trong những tác dụng phụ có thể gây tai hại đến sức khỏe là tác dụng làm tăng huyết áp. Có rất nhiều loại thuốc có tác dụng phụ tai hại này, bao gồm những thuốc có toa, thuốc mua tự do ngoài quầy, kể cả thuốc bổ hay loại thuốc
"dược thảo".
Ngoài tác dụng làm tăng huyết áp, các thuốc này có thể ảnh hưởng đến những thuốc giảm huyết áp mà bệnh nhân đang uống khiến cho những thuốc này giảm bớt hay không còn công hiệu, do đó huyết áp không còn được kiểm soát nữa.
Đo huyết áp
Bài này kể ra những loại thuốc làm tăng huyết áp. Nếu bạn đang uống những thuốc này và sợ rằng chúng có ảnh hưởng xấu đến huyết áp của bạn, nên đem thuốc tham khảo thêm với bác sĩ.
1) Thuốc giảm đau hay chống viêm:
Một vài loại thuốc giảm đau hay chống viêm có thể tích lủy nước trong người, gây ra vấn đề xấu cho thận và làm tăng huyết áp. Dưới đây là một vài thí dụ:
- Indomethacin (tên thương hiệu là
Indocin)
- Thuốc chống viêm không phải là steroid (
NSAIDs), gồm có naproxen sodium (tên thương hiệu là
Aleve, Anaprox) và ibuprofen (tên hiệu là
Motrin IB, Advil)
- Piroxicam (
Feldene)
Nếu bạn đang dùng các thuốc giảm đau và chống viêm này,
nên đo huyết áp thường xuyên. Hỏi B/s xem thuốc giảm đau nào là tốt nhất cho bạn. Nếu bạn cần phải uống loại thuốc làm tăng huyết áp, B/s có thể khuyên bạn nên thay đổi lối sống cho lành mạnh hơn hoặc cho bạn uống thêm thuốc làm bớt huyết áp.
2) Thuốc chữa trầm cảm
Thuốc chữa tràm cảm hoạt động bằng cách đổi cách cơ thể của bạn phản ứng với các chất hóa học do não sản xuất, là những chất
serotonin, norepinephrine và
dopamine, ảnh hưởng ít nhiều đến cảm xúc của bạn. Các chất này cũng có thể làm tăng huyết áp. Dưới đây là một số thí dụ:
- Venlafaxine (
Effexor XR)
- Monoamine oxidase inhibitors
- Tricyclic antidepressants
- Fluoxetine (
Prozac, Sarafem,...)
Nếu bạn đang dùng những thuốc chống trầm cảm nói trên,
nên đo huyết áp thường xuyên. Nếu huyết áp của bạn tăng lên hay không thể kiểm soát được, hỏi B/s cho thuốc khác thay thế. B/s có thể khuyên bạn nên thay đổi lối sống cho lành mạnh hơn hoặc cho bạn uống thêm thuốc làm bớt huyết áp.
3) Thuốc hay dụng cụ ngừa thai
Thuốc ngừa thai hoặc các dụng cụ ngừa thai có chứa kích tố làm tăng huyết áp do làm các mạch máu co lại. Hầu như tất cả các loại thuốc uống ngừa thai, thuốc dán ngừa thai hay vòng âm đạo đều có lời khuyến cáo là huyết áp có thể tăng. Nguy cơ tăng huyết áp sẽ cao hơn nếu người sử dụng thuốc lớn hơn 35 tuổi, cân nặng quá khổ hay có hút thuốc.
Không phải ai dùng thuốc ngừa thai có kích tố đều bị tăng huyết áp nhưng để cẩn thận,
nên đo huyết áp ít nhất mỗi 6 tháng. Nếu bạn đã bị cao huyết áp, nên tìm cách ngừa thai khác. Nguy cơ bị tăng huyết áp sẽ ít hơn nếu bạn dùng loại thuốc có chứa liều lượng estrogen thấp.
4) Chất caffeine
Chất caffeine có thể làm tăng huyết áp? Điều này vẫn còn đang được bàn cãi. Nếu bạn uống một lúc 200-300mg chất caffeine, huyết áp của bạn có thể tăng cao, nhưng tác dụng này không biết là chỉ tạm thời hay kéo dài lâu.
Caffeine có thể tạm thời gây ra huyết áp cao, bằng cách ngăn chặn một loại kích tố làm cho mạch máu nở ra để máu chạy thông hơn. Ngoài ra, caffeine còn khiến cơ thể chúng ta tiết ra nhiều cortisol và và adrenaline khiến cho máu sẽ chạy nhanh hơn gây ra tăng huyết áp.
Tuy nhiên, vẫn chưa có chứng cớ rõ rệt nào cho thấy tác dụng tăng huyết áp của caffeine sẽ kéo dài. Dưới đây là một vài thuốc hay sản phẩm có chứa caffeine:
- Thuốc caffeine (tên hiệu là
Vivarin)
- Cà phê, nước năng lực và một số nước uống khác
Một vài nghiên cứu đưa giả thuyết cà phê có chứa một chất làm hạ huyết áp, làm vô hiệu tác dụng của caffeine. Thêm nữa, nồng độ caffeine trong các loại cà phê khác nhau xa, do đó khó có thể đưa ra số lượng cà phê mỗi ngày người ta có thể uống là an toàn. Nếu muốn thử xem caffeine có làm tăng huyết áp của bạn không, nên đo huyết áp 30 phút sau khi uống 1 cup cà phê hay một loại thức uống nào có chứa caffeine. Nếu huyết áp tăng lên từ 5-10 điểm, bạn có thể bị nhạy cảm với tác dụng tăng huyết áp của cà phê.
5) Thuốc nghẹt mũi
Thuốc nghẹt mũi làm các mạch máu co lại khiến cho máu khó chạy qua hơn đưa đến việc tăng huyết áp. Thuốc trị nghẹt mũi cũng có thể khiến vài loại thuốc trị cao huyết áp bớt hiệu quả.
Đây là vài thí dụ về thuốc trị nghẹt mũi: Pseudoephedrine (
Sudafed), Phenylephrine (
Neo- Synephrine). Nên xem kỹ nhãn hiệu của loại thuốc cảm hay thuốc chữa dị ứng của bạn để xem nó có chứa dược chất trị nghẹt mũi không. Nếu bạn bị huyết áp cao, tốt nhất là tránh uống thuốc nghẹt mũi. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về các loại thuốc chữa nghẹt mũi dành cho người bị huyết áp cao.
6) Thuốc bổ sung (supplementals) hay "dược thảo"
Hãy nhớ nói cho bác sĩ biết những thứ thuốc bổ sung (
thường là vitamin đủ loại) hay
"dược thảo" bạn đang dùng hay định dùng để xem những thuốc này có thể làm tăng huyết áp hoặc tương tác với các thuốc chữa huyết áp cao.
Dưới đây là ví dụ về các thuốc bổ sung dược thảo có thể ảnh hưởng đến huyết áp hoặc tương tác với thuốc huyết áp:
- Kim sa (Arnica montana)
- Cam đắng (Citrus aurantium)
- Ephedra (ma- huang)
- Ginkgo (Ginkgo Bilboa)
- Nhân sâm (Panax quinquefolius và Panax ginseng)
- Guarana (Paullinia cupana)
- Cam thảo (Glycyrrhiza glabra)
- Senna (Cassia senna)
- St. John's wort (Hypericum perforatum)
Các loại
"dược thảo" thường ca tụng là an toàn vì trích xuất từ thiên nhiên, điều này không nhất thiết là đúng. Nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại dược thảo nào. Nên tránh những loại thuốc bổ có thể làm tăng huyết áp của bạn hoặc gây trở ngại với thuốc hạ huyết áp của bạn.
7) Thuốc ức chế miễn dịch
Một số thuốc ức chế miễn dịch có thể làm tăng huyết áp của bạn, có thể vì ảnh hưởng đến thận. Dưới đây là các thuốc ức chế hệ miễn dịch có thể làm tăng huyết áp:
- Cyclosporine (
Neoral, Sandimune)
- Tacrolimus (
Prograf)
Nên đo huyết áp thường xuyên. Nếu huyết áp của bạn tăng hoặc không được kiểm soát tốt, hãy hỏi bác sĩ về những thuốc thay thế cho các loại thuốc này. B/s có thể khuyên bạn nên thay đổi lối sống cho lành mạnh hơn hoặc cho bạn uống thêm thuốc làm bớt huyết áp.
8) Thuốc kích thích
Những thuốc kích thích, chẳng hạn như methylphenidate (
Ritalin), có thể làm cho tim bạn đập nhanh hơn hoặc tăng huyết áp của bạn một cách đột xuất.
Nên đo huyết áp thường xuyên nếu bạn cần uống những thuốc kích thích. Nếu huyết áp của bạn tăng hoặc không được kiểm soát tốt, hãy hỏi bác sĩ về những thuốc thay thế cho các loại thuốc này. B/s có thể khuyên bạn nên thay đổi lối sống cho lành mạnh hơn hoặc cho bạn uống thêm thuốc làm bớt huyết áp.
9) Thuốc ma túy gây nghiện
Các loại thuốc ma túy gây nghiện (bất hợp pháp) có thể làm tăng huyết áp bằng cách thu hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim của bạn. Điều này làm tăng nhịp tim và thiệt hại cho cơ tim.
Các loại thuốc ma túy gây nghiện có thể ảnh hưởng đến tim mạch gồm có:
- Amphetamine, bao gồm methamphetamine
- Anabolic steroids
- Cocaine
Nếu bạn đang sử dụng ma túy bất hợp pháp, nên ngưng lại. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về các chương trình tư vấn hoặc phương cách điều trị bằng thuốc.
B/s Nguyễn Thị Nhuận