Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Ấn Độ thuộc Đại học Hindu Banaras (IIT-BHU) có khả năng lọc nước ô nhiễm bằng cách ăn kim loại độc hại.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Chemical Engineering, vi khuẩn có tên "chủng microbacterium paraoxydans VSVM IIT (BHU)" có thể tách chromium-6 từ nước theo cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Chromium-6 là một ion kim loại nặng dùng trong mạ điện, hàn và sơn chromate. Đây là chất gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như ung thư, bệnh thận, suy giảm chức năng gan và vô sinh. So với những phương pháp hiện nay, nhóm nghiên cứu cho rằng chủng vi khuẩn mới có khả năng chịu nồng độ chromium-6 cao và đặc biệt thích hợp để loại bỏ kim loại độc hại này khỏi nước thải.
VSVM IIT (BHU) thể hiện tốc độ phát triển nhanh trong môi trường nước chứa chromium-6 và dễ dàng tách ra sau quá trình xử lý. Quá trình lọc nước thải bằng vi khuẩn rất rẻ và không gây hại cho môi trường do không đòi hỏi thiết bị tốn kém và sử dụng hóa chất.
Tiến sĩ Vishal Mishra và cộng sự đã kiểm tra cơ chế trong tế bào vi khuẩn. Kết quả phân tích cho thấy một số cơ chế kháng kim loại nặng trong tế bào vi khuẩn được kích hoạt khi chúng phát triển ở môi trường nước nhiễm chromium-6.
Nếu có thể ứng dụng, kỹ thuật lọc nước bằng vi khuẩn sẽ đem lại lợi ích cho những quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, nơi nhiều vùng không có nước sạch. Một số nghiên cứu ước tính cứ 1 trong 4 người thiếu nước sạch để uống vào năm 2050 và thế giới đang lâm vào khủng hoảng nước. Trong tình trạng đó, công nghệ mới có thể cung cấp giải pháp đơn giản và dễ áp dụng cho các kỹ sư.
|