Rất hiếm khi Trung Quốc ra lệnh cho các công ty ngừng hoạt động ở nước ngoài.
Trung Quốc đã ra lệnh cho các công ty vi phạm luật pháp và các tiêu chuẩn môi trường ở Cộng hòa Dân chủ Congo ngừng hoạt động và rời khỏi đất nước - vào thời điểm mà chính phủ của quốc gia châu Phi đang hướng tới việc đàm phán lại các thỏa thuận "cơ sở hạ tầng cho khai thác khoáng sản" với Bắc Kinh.
Vụ việc xảy ra sau khi tỉnh Nam Kivu đình chỉ hoạt động của 6 công ty Trung Quốc vì khai thác trái phép và phá hủy môi trường. Các công ty đã chậm trễ thời hạn đăng ký hoạt động của họ với chính quyền Congo.
Nhiều công ty Trung Quốc bị trừng phạt
Wu Peng, Cục trưởng Cục các vấn đề châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 15/9 cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đã điều tra và "lệnh cho các công ty liên quan phải tôn trọng lệnh của chính quyền địa phương ở Congo, ngừng kinh doanh hoàn toàn và rời khỏi tỉnh Nam Kivu càng sớm càng tốt".
Ông Wu cho biết các công ty sẽ bị trừng phạt bởi chính phủ Trung Quốc. Rất hiếm khi Trung Quốc ra lệnh cho các công ty ngừng hoạt động ở nước ngoài.

Cộng hòa Dân chủ Congo kiểm soát hơn 60% trữ lượng quặng coban của thế giới. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép các công ty Trung Quốc ở châu Phi vi phạm luật pháp và quy định địa phương", ông Wu nói. Phát biểu này được đưa ra 1 ngày sau khi cảnh sát ở thành phố Mwenga Nam Kivu bắn hơi cay vào những người dân biểu tình bên ngoài một mỏ Trung Quốc phớt lờ lệnh ngừng hoạt động của chính quyền hồi tháng trước.
Congo xác định các công ty có liên quan là BM Global Business, Congo Blueant Minerals, Orientale Resource Congo, Yellow Water Resources, New Continent Mineral và Groupe Cristal.
"Chúng tôi ủng hộ Congo trong việc triệt phá các hoạt động kinh tế phi pháp," ông Wu nói.
Thỏa thuận Trung Quốc - Congo
Zhu Jing, đại sứ Trung Quốc tại Congo, viết: "Các nhà chức trách Trung Quốc đã hành động để hỗ trợ chính phủ Congo trong cuộc chiến chống lại việc khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên. Một phòng giam đặc biệt cũng đã được thiết lập bên trong đại sứ quán Trung Quốc".
Mối quan hệ Trung Quốc-Congo đã gặp trục trặc sau khi Tổng thống Congo Felix Tshisekedi ra lệnh xem xét lại các hợp đồng khai thác với các công ty Trung Quốc do người tiền nhiệm Joseph Kabila ký.
Congo cũng đang chịu áp lực từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để "xóa bỏ các thỏa thuận khai thác sai lệch được cấp cho các công ty nước ngoài" như một điều kiện tiên quyết cho hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD mới.
Tổng thống Tshisekedi muốn đàm phán lại một thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD bao gồm cơ sở hạ tầng và khoáng sản ký năm 2008 với các công ty Trung Quốc.
Cựu tổng thống Kabila đã đồng ý để các công ty Trung Quốc khai thác coban và đồng để đổi lấy việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Công ty khai thác và kinh doanh hàng hóa thuộc sở hữu nhà nước Congo Gecamines đã thành lập một liên doanh tên là Sicomines với một tập đoàn các công ty Trung Quốc - do Sinohydro và Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc đứng đầu - để phát triển một mỏ đồng và coban trị giá 9 tỷ USD.
Tuy nhiên, giá trị hợp đồng đã được đàm phán lại thành 6 tỷ USD. Cho đến nay, khoảng 2,7 tỷ USD đã được phía Trung Quốc chi trả, phần lớn dưới hình thức đầu tư.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15/9 lên tiếng bảo vệ thỏa thuận, cho biết mô hình này không chỉ tăng nguồn thu từ thuế và tạo thêm việc làm ở Congo mà còn cung cấp đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá, bệnh viện và trạm thủy điện.
"Cách đây không lâu, [các công ty Trung Quốc] đã ký với tỉnh Katanga một thỏa thuận viện trợ trị giá 11,5 triệu USD để hỗ trợ xây dựng đường xá và cơ sở điện địa phương, cải thiện giáo dục, chăm sóc y tế và môi trường, việc này đã được người dân địa phương hoan nghênh nhiệt liệt," người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Congo tự hào về mối quan hệ hữu nghị lâu đời và hợp tác thiết thực song phương đã mang lại kết quả đôi bên cùng có lợi."
VietBF @ Sưu tầm