Bảo quản đúng cách sẽ giúp mối mọt không thể tấn công gạo đồng thời giữ nguyên được hương vị và dưỡng chất của gạo.
Mọt gạo là loại côn trùng gây hại cho các loại ngũ cốc bao gồm cả lúa mì, gạo, ngô... Nó khiến thực phẩm bị giảm giá trị dinh dưỡng mất thơm ngon.
Để xử lý mọt gạo, bạn có thể làm theo những cách dưới đây.
Cho vào tủ lạnh
Sau khi mua gạo về, bạn hãy kiểm tra kỹ xem gạo có dính mọt hay không. Nếu gạo sạch, hãy chia vào nhiều túi nhỏ hoặc hũ, chai khô và để trong tủ lạnh khoảng 4-5 ngày rồi mới cho vào thùng đựng. Nhiệt độ thấp sẽ ngăn ngừa ấu trùng phát triển thành mọt. Gạo bị nhiễm ấu trùng mọt sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và hương vị tự nhiên.
Nếu gạo đã xuất hiện mọt đen, bạn hãy thử áp dụng những cách dưới đây:
Dùng ớt
Bạn chỉ cần bỏ vài quả ớt khô vào trong thùng gạo. Mùi cay nồng của ớt sẽ khiến mọt khó chịu mà bỏ đi. Sau khi mọt đã ra khỏi gạo, hãy áp dụng cách cho gạo vào tủ lạnh để tiêu diệt chỗ ấu trùng mọt gạo còn lại.
Dùng muối trắng
Hãy rắc một chút muối vào trong thùng gạo. Khi đó, mọt sẽ nuốt phải muối và bỏ đi. Lưu ý, bạn chỉ nên sử dụng một lượng muối vừa phải; rắc quá nhiều sẽ khiến gạo bị mặn và dễ bị ẩm hơn.
Dùng máy sấy tóc
Hãy trải gạo ra một mặt phẳng rồi bật máy sấy lên hong gạo. Sức nóng từ máy sấy sẽ khiến một phải bò ra. Lúc này bạn chỉ cần gom chúng lại và xử lý là được.
Dùng tỏi
Sau khi đã cho gạo vào thùng, hãy đặt vài tép tỏi đã bóc vỏ vào trong đó. Mối mọt cực kỳ ghét mùi tỏi và sẽ bỏ chạy, không dám tấn công gạo của nhà bạn nữa.
Ngoài các cách trên đây, bạn cần chú ý đến điều kiện bảo quản gạo để tránh mối mọt, nấm mốc tấn công gạo. Hãy để gạo ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
Đối với các loại gạo được đóng trong túi nilon dán kín hoặc túi hút chân không, nếu chưa sử dụng đến bạn hãy để nguyên tình trạng như vậy và cất ở nơi khô ráo. Nếu để gạo trong các loại tải và túi nilon thường, hãy đặt cách mặt đất ít nhất 20cm để gạo không bị ẩm ướt.
Bạn cũng có thể chia gạo vào các chai nhựa và đậy nắp kín rồi để ở nơi khô ráo. Chai nhựa sẽ giúp gạo không bị ẩm và bụi bẩn. Lưu ý, phải làm khô chai nhựa hoàn toàn rồi mới đổ gạo vào.
Dù sử dụng cách nào, bạn cũng cần thường xuyên kiểm tra túi/chai gạo xem có bị rách, hở hay hư hại gì không.