Lớn lên trong xã hội gia trưởng, phụ nữ phải gánh vác phần lớn trách nhiệm gia đình, bên cạnh sự nghiệp. Chỉ khi giải quyết được bình đẳng thì mới mong họ sinh thêm con.
Bốn thập kỷ trước, các cặp vợ chồng Trung Quốc đã cố gắng hết sức để chống lại chính sách một con. Một số gia đình phải trả những khoản phạt khổng lồ, mất việc làm, trốn chui lủi tha hương để sinh thêm một con, đặc biệt con trai.
Nhưng hiện nay tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang thấp, mặc dù chính phủ đã nới lỏng, khuyến khích sinh hai con mấy năm trước và ba con mới đây. Song Trung Quốc đã rơi vào vòng xoáy và khó có thể đảo ngược.
Nhiều nhà nhân khẩu học đưa ra các cách giải quyết vấn đề dân số già và mức sinh thấp, chẳng hạn giảm chi phí nuôi dạy con, kiểm soát giá nhà, khuyến khích phụ nữ sinh con và kêu gọi phụ nữ cân bằng hơn gia đình và sự nghiệp.
Song theo Phó giáo sư Lorna S. Wei, Trường Đại học Kinh tế Tài chính trung ương, các biện pháp này "cũng nực cười y như chính sách ba con được ban hành cuối tháng 5". Những giải pháp tưởng như có lợi cho phụ nữ này lại đang đẩy phụ nữ vào chân tường vì càng làm mất đi cơ hội bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực công.
Phụ nữ cần được tôn trọng và bình đẳng - đó mới gốc rễ giải quyết việc ngại đẻ. Ảnh: Thinkchina.
Tại sao phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con? Mặc dù có một số phân tích vĩ mô về kinh tế, chính sách và văn hóa, đa phần các học giả đã bỏ qua nguyên nhân gốc rễ của tỷ lệ sinh thấp ở Trung Quốc - đó là phụ nữ.
Nếu đặt vào cương vị phụ nữ Trung Quốc sẽ dễ hiểu tại sao họ không muốn đẻ. Lý do vì họ đã trải qua thời kỳ chính sách một con. Cả họ và thế hệ cha mẹ được thuyết phục để tin rằng "tốt hơn là chỉ nên có một con".
Trong xã hội cũ, con gái không được coi trọng. Trẻ em gái nông thôn thường đối diện với nguy cơ không được sinh ra, hoặc bị bỏ rơi ngay sau khi sinh. Một số người may mắn sống sót, nhưng cha mẹ hoặc người thân luôn cảnh báo rằng, họ nên cống hiến hết mình cho anh em trai - những hậu duệ thực sự của gia đình. Số ít trẻ em gái nông thôn được đi học, còn đa số lấy chồng sớm và cha mẹ dùng sính lễ của con gái để trả cho con trai. Số phận cuối cùng của họ là nối dõi tông đường bằng cách sinh con trai.
Trẻ em gái ở thành thị có thể thoát khỏi khủng hoảng sinh tồn khi sinh nhưng không thoát khỏi một xã hội ưu tiên nam giới. Dù có xuất sắc đến đâu những người xung quanh cũng xuýt xoa có thành đạt cũng cần chồng tốt và phải làm hậu phương cho chồng. Thuật ngữ "phụ nữ thừa" dùng để chỉ những cô không chịu kết hôn sớm. Trên mạng các cụm từ như "phụ nữ độc thân thiếu trách nhiệm", "Bạn đang hủy hoại tương lai của cả quốc gia", để phê phán phụ nữ không sinh con.
Vì lo lắng về cơ thể và tuổi tác mà một số phụ nữ phải kết hôn và sinh con càng sớm càng tốt, với cái giá phải trả thường là mất việc làm. Nhưng ngay cả khi kết hôn, họ sẽ phải sinh 2-3 con (một trong số đó phải là con trai) và còn phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Nếu những phụ nữ này không đi làm thì tốt hơn hết cô nên cầu xin ông trời để có một người chồng tốt.
Một số phụ nữ ly hôn tự cho mình may mắn ngay cả khi bị đuổi khỏi nhà chồng và không có lấy một xu. Những người không may mắn có thể bị bạo lực gia đình, thậm chí tra tấn đến chết.
Bình đẳng là cách duy nhất giảm tỷ lệ sinh thấp. Đúng là nhiều đàn ông cảm thấy áp lực và không muốn sinh con, nhưng rõ ràng phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn trong cùng một tầng lớp. Nếu hiện tại phụ nữ đang nắm giữ một nửa trách nhiệm kinh tế, thì nên kêu gọi đàn ông về nhà chia sẻ nội trợ, chăm chỉ hơn để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình.
Và nếu như tỷ lệ sinh thấp là một vấn đề xã hội thì việc sinh con không phải là nhiệm vụ chỉ phụ nữ phải gánh vác.