Nếu Fed kích hoạt lên làn sóng tăng lãi suất trên toàn thế giới, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ bị đe dọa, đặc biệt là ở trong bối cảnh nợ trên thị trường mới nổi đang tăng lên như hiện nay.
Một nền kinh tế Mỹ bùng nổ đang khiến lạm phát tăng lên trên toàn thế giới và thúc đẩy đồng USD tăng giá. Điều đó tạo ra áp lực buộc một số NHTW phải tăng lãi suất, bất chấp họ đang phải đối mặt với thực trạng số ca nhiễm Covid-19 vẫn ở mức cao và nền kinh tế chưa hề hồi phục hoàn toàn.
Lo sợ bị ảnh hưởng tiêu cực từ một nền kinh tế Mỹ bùng nổ khác thường, các NHTW trên toàn thế giới đang chăm chú theo dõi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phản ứng như thế nào với việc lạm phát tăng. Sau khi Fed đưa ra dự đoán sẽ có 2 lần tăng lãi suất từ nay đến cuối năm 2023 (sớm hơn so với dự báo hồi tháng 3) vì kinh tế Mỹ đang nóng lên, thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm điểm khá mạnh.
Fed đe dọa đà hồi phục của kinh tế toàn cầu
Nếu Fed kích hoạt lên làn sóng tăng lãi suất trên toàn thế giới, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ bị đe dọa, đặc biệt là ở trong bối cảnh nợ trên thị trường mới nổi đang tăng lên như hiện nay.
Lâu nay quy mô của nền kinh tế Mỹ (chiếm gần 25% GDP toàn cầu) và tầm quan trọng của thị trường tài chính Mỹ khiến các quyết định của Fed ảnh hưởng rất lớn đến các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu. Tuy nhiên tình hình hiện nay đặc biệt ở chỗ kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt trội trong khi kinh tế thế giới vẫn đang chật vật hồi phục sau các cú sốc trong năm ngoái.
Gần đây các NHTW Nga, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất, một phần là để kiềm chế làn sóng lạm phát xuất phát từ cơn sốt trên thị trường hàng hóa. Trong khi các nhà máy trên khắp thế giới căng mình đáp ứng lực cầu đột biến của Mỹ, giá nhiều loại hàng hóa từ thiếc đến đồng đều tăng rất mạnh.
"Với tất cả những tác động từ đại dịch, điều cuối cùng mà các nước này cần đến là thắt chặt chính sách tiền tệ", Tamara Basic Vasiljev, chuyên gia kinh tế đang công tác tại Oxford Economics nhận định.
Kinh tế Mỹ bùng nổ sẽ hỗ trợ các nền kinh tế khác bằng cách làm tăng nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và tăng giá trị dòng kiều hối. Tuy nhiên, mặt trái là chi phí đi vay, lạm phát tăng cao và đồng USD mạnh lên, siết chặt điều kiện trên thị trường tài chính và đe dọa đà phục hồi kinh tế.
Các tác động là không đồng đều. USD tăng gây tổn hại cho các nền kinh tế mới nổi đang đi vay mượn bằng đồng USD trong khi lại có lợi cho các nhà xuất khẩu ở châu Âu và Đông Á, nơi có những sản phẩm đang ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ với hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ.
Còn ở các nền kinh tế phát triển, hầu hết các lãnh đạo NHTW tin rằng lạm phát chỉ tạm thời tăng lên trừ khi người tiêu dùng kỳ vọng đây là xu hướng dài hạn và yêu cầu tăng lương. Dẫu vậy một số chuyên gia kinh tế dự báo họ sẽ bị bất ngờ vì không chuẩn bị cho kịch bản lạm phát.
"Nhiều khả năng cú sốc giá cả tưởng chừng như chỉ là ngắn hạn này sẽ còn dai dẳng", Luigi Speranza, chuyên gia kinh tế trưởng tại BNP Paribas nói. Ông lưu ý rằng lạm phát ở Đức sẽ lên đến khoảng 4% khi bước vào đợt đàm phán lương tiếp theo vào cuối năm nay.
Các NHTW ở châu Âu và Nhật Bản cần phải lựa theo Fed hoặc sẽ đối mặt với tình trạng đồng nội tệ tăng vọt và đà phục hồi kinh tế bị xói mòn. Tuy nhiên "điệu nhảy" nhịp nhàng và tinh tế giữa Fed và các NHTW có thể loạn nhịp nếu như lạm phát dai dẳng hơn dự đoán và gây ra làn sóng tăng lãi suất trong hoảng loạn. Ví dụ, ECB phải đi theo Fed nhưng điều đó khá khó khăn vì thực trạng lạm phát và tăng trưởng của mỗi nơi là khác nhau.
Tuy nhiên các nền kinh tế mới nổi thường không có 1 thứ xa xỉ là thời gian. Kể cả 1 đợt lạm phát ngắn ngủi cũng sẽ đè nặng lên các đồng nội tệ và làm tổn hại đến khả năng trả những khoản nợ (thường bằng USD hoặc euro) của các công ty và hộ gia đình.
Liệu "taper tantrum" có lặp lại?
Fed đã phát tín hiệu sẽ thật cẩn thận để không lặp lại vụ "taper tantrum" năm 2013, khi mà NHTW các nước đang phát triển buộc phải hành động để đối phó với tình trạng dòng vốn ngoại bị rút ra ồ ạt sau khi Fed bất ngờ thông báo sẽ đảo ngược các gói kích thích. "Chúng tôi dự định quá trình này sẽ diễn ra minh bạch hơn, có thứ tự hơn và khoa học hơn", ông Powell phát biểu hôm 16/6.
Nhưng với lạm phát tăng vọt và Fed bắt đầu thay đổi hướng đi, một số NHTW đang phải thay đổi toan tính. NHTW Brazil thông báo lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất 0,7%%, đồng thời phát tín hiệu sắp tới thậm chí sẽ tăng mạnh hơn sau khi lạm phát của nước này tăng lên trên 8%.
Từ đầu năm đến nay NHTW Nga đã 3 lần tăng lãi suất dù tỷ lệ lạm phát đã tăng lên hơn 6% trong tháng 6, mức cao nhất trong gần 5 năm trở lại đây. Theo thống đốc Elvira Nabiullina, Nga sẽ tiếp tục tăng lãi suất với dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng.
NHTW Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng lãi suất lên tới 19% trong tháng 3 để đối phó với tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số và đồng lira tăng giá. Tuy nhiên vài tuần gần đây đồng lira lại bắt đầu phải chịu áp lực vì nhà đầu tư xem xét liệu NHTW có tuân theo yêu cầu hạ lãi suất của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hay không.
Ở Nga, đợt tăng giá mới đây đã khiến giá các nguyên liệu làm nên món súp truyền thống borscht – thứ được nhiều người Nga coi là chỉ báo lạm phát – tăng lên. Từ đầu năm đến nay, giá khoai tây, cải bắp và cà rốt đã tăng 60% đến 80%.
Đối với người dân ở các nước nghèo, những hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu, vì thế các nhà hoạch định chính sách sẽ phải hành động nhanh hơn khi lạm phát xuất hiện.
Hàn Quốc và Na Uy cũng có kế hoạch siết chặt chính sách tiền tệ để giảm nguy cơ bong bóng tài sản, đặc biệt là bong bóng bất động sản. Na Uy cho biết sẽ tăng lãi suất vào tháng 9. Các NHTW khác ở Trung Âu được dự báo sẽ sớm tăng lãi suất. Nền kinh tế Hungary và Cộng hòa Séc không suy giảm mạnh như Pháp và Tây Ban Nha nhưng đều đang chứng kiến lạm phát tăng.
Mặc dù Fed sẽ cố gắng hết sức để không lặp lại "taper tantrum" bằng cách hành động chậm rãi và thông báo rõ ràng về dự định tăng lãi suất, giới phân tích nhận định phương pháp tiếp cận kiên nhẫn vẫn ẩn chứa nhiều vấn đề.
"Ý tưởng để cho lạm phát tăng lên dẫn đến rủi ro bạn chỉ nhận ra lạm phát là 1 vấn đề nghiêm trọng khi đã thực sự lâm vào rắc rối", Klaus Baader, chief global economist at Société Générale.
VietBF@sưu tập