Số lượng du khách đến Mỹ du lịch tăng mạnh gần đây, rất nhiều người đến với mục đích tiêm vắc xin Covid-19 , hiện tượng cho thấy tình trạng mất cân bằng trong phân phối vắc xin trên toàn cầu.
Nhiều người nước ngoài từ các vùng dịch nghiêm trọng trên thế giới tới Mỹ gần đây để được tiêm vắc xin Covid-19 (Ảnh minh họa: Reuters).
"Chúng tôi tới Mỹ không phải vì giấc mơ Mỹ, mà vì giấc mơ vắc xin", doanh nhân Peru Estela, 49 tuổi, cho biết. Người đàn ông này đã lặn lội tới Mỹ và được tiêm liều vắc xin Pfizer đầu tiên ở một trung tâm tiêm chủng tại Seattle, Washington.
Estela đã quyết định tới Mỹ từ đầu năm sau khi chứng kiến nhiều người thân thiết xung quanh ông mắc Covid-19 - một trải nghiệm mà ông mô tả giống như chơi cò quay.
Với 68.000 ca tử vong vì Covid-19 tại một quốc gia dân số 32 triệu người, Peru là một trong những vùng dịch nghiêm trọng nhất ở Mỹ Latinh.
"Tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm và giải phóng tâm trí, tôi sẽ không phải chơi trò cò quay nữa rồi", Estela nói khi một nữ y tá Mỹ tiêm vắc xin vào người ông.
Estela không phải là trường hợp cá biệt. Nhu cầu di chuyển từ Mỹ Latinh tới Mỹ tăng mạnh trong năm 2021, với việc loại hình "du lịch tiêm vắc xin" ngày càng trở nên phổ biến. Nam Mỹ và Caribê hiện đang là vùng dịch chết chóc nhất thế giới khi trong tháng 5, khu vực này chiếm 31% tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu dù chỉ chiếm 8,4% dân số thế giới.
Thứ trưởng Y tế công cộng Peru Gustavo Rosell hôm 18/5 cho biết, khoảng 70.000 người dân nước này đã ra nước ngoài để tiêm vắc xin.
Giám đốc một công ty về vận tải hàng không khu vực Mỹ Latinh và Caribê cho biết, số lượng chuyến đi từ khu vực này tới Mỹ tăng vọt dường như là do nhu cầu "du lịch tiêm vắc xin".
Mất cân bằng vắc xin
Cuộc sống tại Mỹ đang dần trở lại bình thường sau khi hơn 50% người trưởng thành đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 (Ảnh: Getty).
Theo giới quan sát, khu vực Mỹ Latinh đang thiếu trầm trọng vắc xin Covid-19 so với nhu cầu. Tổng cộng khoảng 400 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được phân phối tại châu Mỹ nhưng số này hầu hết tập trung ở Mỹ, theo Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne.
"Chỉ có 3% người dân ở Mỹ Latinh được tiêm đủ vắc xin Covid-19 và vẫn còn một quãng đường rất dài để mọi người được bảo vệ", bà Etienne nói.
Bà cho rằng du lịch tiêm vắc xin không phải là giải pháp cho đại dịch mà là "dấu hiệu cho thấy sự mất cân bằng trong việc phân phối vắc xin".
Theo PAHO, khu vực Mỹ Latinh và Caribê nhận được 12 triệu liều vắc xin thông qua sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tính đến ngày 21/5, nhưng chương trình này đang bị chậm trễ trong việc vận chuyển và bàn giao số chế phẩm vì nguồn cung vắc xin vẫn đang giới hạn.
Mỹ không có quy định chỉ công dân hay thường trú nhân của nước này mới được tiêm vắc xin, nên nhiều người nước ngoài vẫn tới các cơ sở tiêm chủng để đăng ký tiêm bình thường, sử dụng hộ chiếu và thẻ căn cước ở quê nhà.
"Nếu vắc xin không đến với bạn, bạn phải tự tìm đến vắc xin", nhà tư vấn doanh nghiệp người Peru Flavio San Martin cho biết. San Martin hôm 13/4 đã đưa cả gia đình tới Durham, bang North Carolina (Mỹ) và giờ đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin Moderna.
"Tôi 46 tuổi rồi và không nghĩ rằng mình sẽ được tiêm chủng ở Peru trước tháng 12. Tôi chứng kiến nhiều người xung quanh lần lượt qua đời", San Martin nói.
Pamela Card, 37 tuổi, từ Mexico, cho biết chị đặt an toàn của gia đình lên trên hết và việc tới Mỹ tiêm vắc xin để họ có thể cảm thấy an toàn và đỡ hoảng hốt hơn khi dịch bệnh tại quốc gia này vẫn đang lây lan mạnh mẽ.
Hiện Mexico mới tiêm chủng đủ 2 mũi cho 9% dân số trong khi tỷ lệ này ở Peru là 3%.
Số lượng người bay từ Peru tới Mỹ tăng gấp 4 lần từ tháng 2 tới nay, lần lượt là 10.000 vào tháng 2 và 40.780 vào tháng 4. Nhu cầu tăng vọt kéo theo giá vé máy bay sang Mỹ cũng tăng theo. Thông thường, một vé máy bay từ Lima, Peru tới Miami, Florida (Mỹ) là từ 500-700 USD. Giờ đây, giá của một tấm vé này tăng lên 1.200-4.500 USD. Nhiều chuyến bay đã đặt kín lịch.
Chuyến đi sang Mỹ tiêm vắc xin của chị Card tốn 500 USD cho 4 ngày, gồm cả sinh hoạt phí. Card nói rằng, chi phí không đắt như chị tưởng tượng, nhưng nó vẫn vượt ngoài tầm với so với hầu hết người dân Mexico. "Không phải ai cũng chi được số tiền như vậy, vì với khoản tiền mà tôi bỏ ra, một gia đình Mexico đủ để mua thức ăn cho cả tháng", Card nói.
Giới quan sát nhận định, chừng nào sự mất cân bằng trong phân phối vắc xin trên thế giới còn tiếp diễn, nhu cầu du lịch tiêm vắc xin sẽ ngày càng tăng mạnh.
Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác cũng đang thúc đẩy loại hình du lịch tiêm vắc xin. Nhà sản xuất vắc xin Nga Spunik V cho biết, chương trình du lịch tiêm vắc xin tới nước này sẽ bắt đầu từ tháng 7.
Trong khi đó, Cuba, nước đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 hai loại vắc xin tự điều chế, cũng có kế hoạch có thể tung ra hình thức du lịch tiêm vắc xin, sau khi tiêm chủng xong cho phần lớn dân số.
VietBF@sưu tập