Công ty vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng nộp hơn 1.000 tỷ tiền thuế đất. Tổng két năm 2020, Công ty Cổ phần Đại Nam đã nộp 1.234 tỷ đồng tiền sử dụng đất cho ngân sách tỉnh Bình Dương.
Số liệu từ Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho thấy từ năm 2014 đến 2020, tổng nguồn thu từ đất tại tỉnh Bình Dương đã tăng từ 1.652 tỷ đồng lên 8.078 tỷ, gấp 4,8 lần. Đặc biệt, nguồn thu tiền sử dụng đất phát sinh từ một số dự án lớn đã giúp tăng thu đột biến khoảng 4 lần (năm 2014 là 1.095 tỷ đồng, năm 2020 là 4.156 tỷ đồng).
Điển hình như Công ty Cổ phần Đại Nam trong năm 2020 đã nộp tiền sử dụng đất 1.234 tỷ đồng. Công ty này do ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng “lò vôi”) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng) đóng vai trò là Phó tổng giám đốc công ty.
Doanh nghiệp này nổi tiếng khi sở hữu khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến rộng trên 450 ha và là chủ đầu tư các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 và 3 tại tỉnh Bình Dương.
Một góc khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến. Ảnh: Lê Quân.
Đại Nam cũng là chủ đầu tư Khu đô thị Trung tâm Hành chánh Huyện Dĩ An, Khu tái định cư Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Đại Nam - Bình Phước và Khu dân cư Tân An 2.
Công ty cổ phần Đại Nam được thành lập vào tháng 3/1996, tiền thân là Công ty cổ phần phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ. Qua 25 năm, công ty của đại gia quê Bình Định đăng ký tới 127 ngành nghề kinh doanh, trong đó kinh doanh địa ốc, nhà xưởng, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu công nghiệp (thực hiện theo quy hoạch) là chính.
Năm 2018, Đại Nam ghi nhận doanh thu ở mức 454 tỷ đồng, tăng 49 tỷ so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 438 tỷ đồng và âm 84 tỷ, đã cải thiện so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, năm 2019 lại chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng về kết quả kinh doanh của công ty vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng. Trong khi nguồn thu giảm 10% về 409 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2017, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng.
Tính trung bình, chủ khu du lịch lớn nhất Bình Dương mỗi ngày làm ăn thua lỗ 422 triệu đồng.
Lúc này, lỗ lũy kế của Công ty Cổ phần Đại Nam đã lớn hơn vốn điều lệ 195 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng cộng nguồn vốn công ty của ông Dũng “lò vôi” đạt 4.475 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 755 tỷ, nợ dài hạn 3.915 tỷ.
Cũng theo Cục Thuế tỉnh Bình Dương, ngoài Công ty Cổ phần Đại Nam, một số công ty nộp tiền thuê đất một lần cho nhiều năm với số tiền hàng trăm tỷ đồng cũng đã góp phần tăng thu ngân sách trong những tháng cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, việc tổng nguồn thu từ tiền sử dụng đất tăng cao còn do từ ngày 1/1/2020, bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024 được áp dụng chính thức, tăng bình quân 18% so với bảng giá trước.
Hiện toàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với tổng quy mô 10.000 ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam, tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 70%. Các khu công nghiệp đã thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng.
VietBF@ sưu tập