Nhiều người dân miền Tây chặt bỏ hàng loạt cây cao su. Mấy năm gần đây, trồng cây cao su cho lợi nhuận thấp nên người dân đã không còn thiết tha gì với cây này. Đồng thời chuyển hết sang trồng keo.
Những ngày này, bà Phạm Thị Xuyên, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) thuê người chặt và dọn 2 ha cây cao su hơn 10 năm tuổi.
Một cây cao su riêng tiền giống 40.000 đồng, bà Xuyên chấp nhận chặt bán với giá mỗi cây 60.000 đồng sau nhiều năm chăm sóc. "Tới đây gia đình tính chuyển qua trồng cây keo, bởi loại cây này đầu tư ít, 5 năm cho khai thác có lời hơn so với cao su", bà Xuyên nói.
Ở Hiệp Đức, thời gian qua nhiều nông dân cũng chặt bỏ cao su vì loại cây này "chống chịu gió bão kém, không phù hợp với thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung và giá bán mủ thấp".
Cây cao su bắt đầu được trồng ở Quảng Nam từ cuối thập niên 1990, từng được hứa hẹn là "vàng trắng", đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp và giúp người dân thoát nghèo, làm giàu. Trong nhiều năm liên tục, chính quyền địa phương đã tập trung giao đất trống, đồi núi trọc cho các doanh nghiệp trồng cao su với trên 50.000 ha được quy hoạch.
Doanh nghiệp đi trước, trồng diện tích lớn, rồi người dân theo sau mỗi gia đình tham gia một vài ha. Năm 2007, bà Xuyên đầu tư trồng 2 ha cao su hết gần 100 triệu đồng. Lúc đó bà được nghe nói tính từ lúc mới trồng và sau thời gian chăm sóc từ khoảng 5 đến 7 năm, cao su sẽ cho thu hoạch mủ trong nhiều năm liền. Một ha cao su mỗi năm có thể cho 2 tấn mủ, thu về hơn 200 triệu đồng.
Sau 6 năm chăm sóc, hai ha cao su của bà Xuyên sắp có mủ thì bão Wuitp (tháng 9/2013) tràn vào quật ngã rạp một ha. Gia đình bà cố sức gầy dựng lại, trồng mới và dồn sức chăm sóc cây. Đến năm 2018, khi cao su cho thu hoạch mủ thì giá xuống thấp, tiền thu về không đủ chi phí nên bà Xuyên quyết định dừng khai thác, bỏ bê cao su ngoài vườn cho đến lúc bão Molave (tháng 10/2020) tràn vào. Một lần nữa vườn cao su của bà Xuyên bị đổ gãy hàng loạt.
Ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch huyện Hiệp Đức, cho biết địa phương có hơn 5.700 ha trồng cao su, bão Molave đã quật ngã trên 1.600 ha. "Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh nghiên cứu chuyển đổi cây cao su sang mô hình sản xuất khác phù hợp, vì loại cây này hiệu quả thấp, nhiều rủi ro", lãnh đạo huyện Hiệp Đức nói và cho rằng diện tích trồng cao su có thể được chuyển qua làm nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi tập trung và trồng rừng gỗ lớn.
Theo ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, cho biết tỉnh quy hoạch 50.000 ha trồng cao su, đến nay đã phát triển được 14.000 ha. Trước việc giá mủ cao su xuống thấp và loại cây này chống chịu gió bão kém, tỉnh quyết định giới hạn diện tích cao su không quá 15.000 ha.
"Giai đoạn 2010-2012 giá một tấn cao su trên 100 triệu đồng, đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thị trường biến động, giá mủ cao su giảm sút khiến người dân không còn thiết tha trồng, doanh nghiệp không mở rộng diện tích", ông Hưng nói thêm.
Tại Thừa Thiên Huế, năm 2009, thấy nhiều người dân trồng cao su nên ông Đồng Hữu Sang, thôn Hiền Hòa, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) đã phát quang rừng nghèo trồng 3 ha. Sau 8 năm chăm sóc, diện tích cao su của gia đình ông Sang bắt đầu cho mủ với thu nhập bình quân một triệu đồng mỗi ngày, đủ nuôi sống cả gia đình, trả nợ ngân hàng và trang trải cho con ăn học.
"Tuy nhiên, hai năm gần đây, giá mủ rớt thê thảm, từ 50.000 đồng mỗi kg xuống còn hơn 10.000 đồng. Hồi tháng 9/2020, bão vào quật cao su gãy đổ la liệt nên tôi quyết định chặt cây, phân khúc chờ thương lái đến thu mua làm gỗ tạp", ông Sang nói và cho biết dự kiến chuyển sang trồng cam, bưởi hoặc keo tràm.
Ông Hồ Vang, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết lúc cao su giá cao, toàn tỉnh có hơn 10.000 ha, nhưng đợt mưa bão cuối năm 2020 đã ảnh hưởng tới hơn 2.500 ha.
"Với giá mủ cao su như hiện nay, dự báo diện tích trồng loại cây này trên địa bàn sẽ tiếp tục giảm. Chúng tôi cũng không khuyến khích người dân mở rộng diện tích, bởi hiệu quả kinh tế không còn cao như trước", ông Vang nói.
Tại Hà Tĩnh, năm 1998 Công ty Cao su Hà Tĩnh và Công ty Cao su Hương Khê (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) được tỉnh giao hơn 25.000 ha đất rừng tự nhiên nghèo kiệt, đất phi nông nghiệp, đất trống đồi trọc... để thực hiện dự án.
Trong đó, Công ty Cao su Hà Tĩnh được giao hơn 10.000 ha song đến nay đã trả về cho địa phương hơn 2.000 ha để thực hiện các dự án nhà máy nước, nuôi bò. Đơn vị chỉ giữ lại hơn 8.000 ha đất với trên 3.000 ha trồng cây cao su, còn lại là đất rừng sản xuất, phòng hộ.
Công ty Cao su Hương Khê trồng 4.000 ha trong tổng số hơn 15.000 ha, dự kiến trả về địa phương khoảng 3.000 ha chưa dùng đến.
"Do giá mủ thấp, hiện Công ty Cao su Hà Tĩnh không chủ trương mở rộng diện tích và muốn tìm cây khác trồng thay thế cao su", ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty, cho hay.