Thân hình thanh mảnh của vũ công khiến nhiều người ước ao. Nhưng mấy ai biết được mặt tối của nó. Bạn có biết các vũ công ballet phải tuân thủ chế độ ăn kiêng khắc nghiệt để giữ được vóc dáng mỏng manh và thực hiện tốt vai diễn của mình.
Giống như các đồng nghiệp khác, Lauren Lovette (sống tại Mỹ), thành viên của đoàn New York City Ballet từ năm 2010, cũng gặp nhiều khó khăn khi Covid-19 ập tới. Suốt nhiều tháng tạm dừng biểu diễn, Lovette bắt đầu lo lắng về sức khỏe và vóc dáng của mình.
“Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết mình có thực sự muốn trở thành vũ công giỏi không hay chỉ cố nhịn đói và gầy đi. Tôi sẽ không thể múa với trọng lượng 42 kg. Đó không phải là tôi”, Lovette nói với New York Times.
Trong thế giới ballet, thân hình mảnh khảnh không chỉ là vẻ ngoài của vũ công trên sân khấu, nó còn liên quan đến nhiều tiêu chuẩn và yếu tố khác nhau.
Các vũ công ballet được yêu cầu giữ vóc dáng thanh mảnh.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, không ít vũ công ballet cũng đang trong tình trạng lo lắng về cân nặng. Việc tạm dừng các buổi biểu diễn trực tiếp có thể là sự mở đầu cho xu hướng thẩm mỹ mới của ngành ballet, đặc biệt là đối với yêu cầu “thân hình cực mỏng”.
Covid-19 tác động đến ngành ballet
Benjamin Millepied, cựu giám đốc nghệ thuật của Paris Opera Ballet, cho biết: “Từ lâu, chúng tôi đã bị định hình trong suy nghĩ phải có cơ thể gầy. Tôi phản đối điều này. Tôi muốn thấy những vũ công có cá tính riêng của họ”.
Trước đại dịch, các vũ công nữ thường nâng cao thể lực bằng cách kết hợp rèn luyện sức khỏe và chế độ ăn uống khắc nghiệt. Khi dịch bệnh bùng nổ toàn cầu, các chuyến lưu diễn buộc phải tạm hoãn, họ có thêm thời gian chăm sóc bản thân.
Đại dịch Covid-19 giúp những vũ công có thời gian chăm sóc bản thân hơn.
Marika Molnar, nhà trị liệu vật lý của New York City Ballet, nhận thấy các vũ công của đoàn có sức khỏe tốt hơn trong thời điểm hiện tại.
“Có thể họ đã tăng lên vài kg nhưng trông họ thật tuyệt. Tôi không biết điều đó sẽ có hậu quả như thế nào khi lên sân khấu nhưng quan trọng là tất cả đều khỏe mạnh”, Molnar nói.
Mặt khác, đây cũng là thời gian để những người biểu diễn suy nghĩ sâu hơn về loại hình nghệ thuật mà mình đang theo đuổi.
Chỉ trích vì cơ thể không hoàn hảo
Vào tháng 10/2020, Kathryn Morgan (32 tuổi), vũ công có 242.000 người theo dõi, đã đăng video “Tại sao tôi rời khỏi Miami City Ballet?” trên kênh YouTube của mình.
Theo lời kể của Morgan, cô đã trải qua nhiều năm đối phó với căn bệnh tự miễn dịch. 11 năm trước, sức khỏe kém đã buộc cô rời khỏi New York City Ballet. Tháng 5/2019, Morgan chính thức trở lại sân khấu sau thời gian vắng bóng bằng hợp đồng solo với Miami City Ballet.
Mặc dù đã khai báo toàn bộ tình trạng sức khỏe của bản thân, Morgan vẫn luôn bị chỉ trích liên tục. Thậm chí, vai diễn của cô cũng bị hủy bỏ, cô chỉ được lên sân khấu vỏn vẹn 4 lần. Sau các show diễn, những tràng pháo tay của khán giả là nguồn động viên lớn của Morgan.
Cô thường bị nhận xét là vóc dáng không đủ tiêu chuẩn, cơ thể của cô không phù hợp với múa ballet. Nhưng họ không đề cập cụ thể đến vấn đề cân nặng của cô.
Sau một thời gian, bệnh tình của Morgan trở nặng khi tóc rụng nhiều và bắt đầu xuất hiện tình trạng suy nhược. Nữ vũ công quyết định tạm ngừng hoạt động và không gia hạn hợp đồng.
Cân nặng là một trong những gánh nặng với vũ công ballet.
Tương tự Morgan, Chloe Freytag, một cựu vũ công của Miami City Ballet, cũng rời bỏ đoàn này vì những yêu cầu khắt nghiệt về cân nặng.
“Cơ thể của chúng tôi là nghệ thuật, tôi đã phải hủy hợp đồng giữa mùa diễn vì yêu cầu giảm cân. Trong bộ môn ballet, cơ thể bắt buộc phải ở trong tình trạng tốt nhất. Tuy nhiên, sức chịu đựng của ai cũng có giới hạn. Đây là sự thật rất tàn ác”, Freytag chia sẻ.
Miami City Ballet có quy định không đề cập về các vũ công cũ của mình. Lourdes Lopez, giám đốc nghệ thuật của công ty, cho biết cô hy vọng chế độ giữ dáng thanh mảnh sẽ thay đổi.
“Với tôi, Covid-19 đã tác động đến mọi thứ. Nó giống như cơ hội để chúng tôi thiết lập lại các tiêu chuẩn từ thân hình đến màu da của một người trên sân khấu", Lopez nói.
Thế nhưng, đối với các vũ công da đen, hình ảnh cơ thể và sự phân biệt chủng tộc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nó không chỉ là sự gầy gò. Từ lâu, họ đã phải đối mặt với những định kiến như vóc dáng quá cơ bắp, lực lưỡng.
VietBF@ sưu tầm.