Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành, động mạch cung cấp máu nuôi tim một cách đột ngột, làm chết tế bào cơ tim. Dù nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm. Nếu chúng ta biết được các dấu hiệu cảnh báo và đến bệnh viện sớm thì có thể tự cứu mình.
Ai dễ bị nhồi máu cơ tim?
Tim cần được cung cấp máu và dinh dưỡng liên tục giống như bất kỳ mô cơ nào trong cơ thể. 2 nhánh động mạch vành lớn cung cấp ôxy cho cơ tim. Nếu một trong các động mạch lớn hay các nhánh nhỏ bị tắc đột ngột thì một phần tim sẽ bị thiếu ôxy, tình trạng này gọi là thiếu máu cơ tim. Nếu thiếu máu cơ tim kéo dài quá lâu, mô cơ tim sẽ bị chết, gây nên cơn đau thắt ngực hay được gọi là nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch. Tình trạng này xảy ra là do mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu, thành phần cấu thành bao gồm cholesterol, canxi, mảnh vỡ tế bào. Những yếu tố dẫn tới tắc nghẽn động mạch vành bao gồm:
Cholesterol cao: Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa có thể thúc đẩy hình thành mảnh xơ vữa động mạch vành. Những chất béo này có thể làm tắc nghẽn động mạch bằng cách làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu và làm giảm cholesterol tốt
Tăng huyết áp: Huyết áp bình thường ở người trưởng thành là dưới 120/80mmHg. Huyết áp càng cao thì càng phải đối diện nhiều nguy cơ bệnh tật. Tăng huyết áp sẽ làm tổn thương động mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa.
Nồng độ triglycerid cao: Đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Triglycerid sẽ đi khắp cơ thể, tới khi được dự trữ trong các tế bào mỡ. Tuy nhiên, một số triglycerid cũng có thể tồn đọng trong động mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa.
Đái tháo đường: Đây là tình trạng gây ra bởi lượng đường trong máu cao, làm tổn thương các mạch máu và cuối cùng dẫn đến bệnh mạch vành.
Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 tuổi là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn. Những người trước đó đã từng nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới. Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.
Lối sống ảnh hưởng đến bệnh nhồi máu cơ tim
Xã hội phát triển, cuộc sống con người được cải thiện tốt hơn, đầy đủ hơn... Tuy nhiên, một số cách sống không khoa học là yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim.
Người béo phì: Việc thiếu kiểm soát cân nặng gây thừa cân béo phì là nguyên nhân của nhiều bệnh. Người béo phì có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn người có cân nặng hợp lý. Béo phì thường liên quan đến các tình trạng khác làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch bao gồm: đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol, tăng triglyceride…
Hút thuốc lá: là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và có thể dẫn đến các bệnh tim mạch khác.
Uống rượu, bia quá mức (rượu, bia kích thích cơ tim, làm tăng huyết áp và nhịp tim).
Thói quen lười vận động và luôn bị stress cũng là yếu tố nguy cơ cao gây nhồi máu cơ tim.
Những dấu hiệu sớm cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp
Triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất là đau ngực. Cơn đau ngực thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện rồi hết đi và lại đau lại. Cơn đau làm cho chúng ta cảm thấy như có gì ép lên ngực, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực. Một số triệu chứng khác cũng có thể đi kèm như lạnh toát mồ hôi, nôn hoặc đau đầu nhẹ, lo lắng; ho; chóng mặt; tim đập nhanh. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không trải qua các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc thấy khó chịu vùng thượng vị. Khi có những dấu hiệu như trên, hãy đến bệnh viện gần nhất có thể hoặc đến một bệnh viện có trung tâm tim mạch can thiệp.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bệnh nhồi máu cơ tim làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh, gây tử vong nếu không phát hiện để điều trị kịp thời. Hàng năm trên cả nước có hàng triệu người bị bệnh mạch vành, trong đó khoảng 10% trong số bệnh nhân tử vong do nhồi máu cơ tim. Vì vậy, để bảo vệ trái tim khỏe mạnh chúng ta cần: ăn uống điều độ, không ăn nhiều chất đạm, chất béo, không hút thuốc lá, rượu bia quá nhiều, tránh căng thẳng, stress kéo dài..., đặc biệt cần vận động, tập thể dục hàng ngày để tăng cường thể lực giúp cơ thể trao đổi chất, đề phòng các bênh về tim mạch.