02/25/21
Chiến hạm USS John S. McCain vừa áp sát quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, do Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1974, hôm Thứ Sáu, 5 Tháng Hai, thông cáo báo chí của Hạm Đội Thứ Bảy của Mỹ cho biết.
Đây là lần đầu tiên một chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo này kể từ khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Hoa Kỳ.
“Chiến hạm USS John S. McCain khẳng định quyền tự do hải hành và tự do đi lại trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật quốc tế,” thông cáo cho biết. “Quyền tự do hải hành này (FONOP) xác nhận quyền hạn, tự do, và sử dụng đường biển một cách hợp pháp trong vùng biển được luật quốc tế thừa nhận.”
Thông cáo cho biết tiếp: “Sự áp sát này của USS John S. McCain thách thức các giới hạn một cách bất hợp pháp trong việc đi lại trên biển do Trung Quốc, Đài Loan, và Việt Nam đưa ra, và cũng thách thức các đường căn bản mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bao quanh quần đảo Hoàng Sa.”
Theo Hạm Đội Thứ Bảy, tuyên bố chủ quyền rộng lớn trên Biển Đông một cách bất hợp pháp tạo ra đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm tự do hành hành và tự do bay trên bầu trời, tự do thương mại và buôn bán không bị cản trở, và tự do cho cơ hội kinh tế đối với các quốc gia trong vùng.
Hôm Thứ Năm, chiến hạm này cũng lần đầu tiên đi qua eo biển Đài Loan kể từ khi Hoa Kỳ có chính quyền mới, để “chứng tỏ quyết tâm của Mỹ nhằm duy trì tự do di chuyển ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” theo lời Trung Úy Joe Keiley, một phát ngôn viên của Hạm Đội Thứ Bảy.
Ông Keiley cũng nói thêm là quân đội Mỹ “sẽ tiếp tục có phi cơ và tàu chiến hoạt động ở mọi nơi mà luật quốc tế cho phép.”
USS John S. McCain có căn cứ nhà tại Nhật và thuộc Hạm Đội Thứ Bảy.
Biển Đông lâu nay là điểm nóng trong quan hệ Mỹ-Trung, trong đó bao gồm nhiều vấn đề như chiến tranh thương mại, trừng phạt của Mỹ, các vấn đề về Hồng Kông, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, cũng như với một số quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh rất khó chịu mỗi khi có tàu Mỹ đi áp sát các quần đảo mà Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát ở Biển Đông.
Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố họ có chủ quyền không chối cãi trên Biển Đông, đặc biệt qua đường lưỡi bò chín đoạn chiếm tới 90% vùng biển này và tố cáo Hoa Kỳ cố tình gây căng thẳng.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng hiện do Trung Quốc chiếm đóng, và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Ngoài ra, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei, và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền trên một số quần đảo khác ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang bồi đắp và biến thành đảo nhân tạo và xây dựng phi trường cho máy bay của họ.
Hồi Tháng Giêng, một chiến đấu cơ của Mỹ cũng bay vào vùng trời Biển Đông mà Hải Quân nói là bay tuần tra bình thường.
Hôm 23 Tháng Giêng, ba ngày sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống, Mỹ cũng điều hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông sau khi Đài Loan tố cáo nhiều máy bay Trung Quốc vi phạm vùng trời của họ.
(Đ.D.)