Cổ phiếu của ba doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc rớt 5% trong ngày giao dịch đầu năm 2021 sau khi Sàn chứng khoán New York tuyên bố sẽ hủy niêm yết các doanh nghiệp này trong vài ngày tới.
China Telecom Corp Limited, China Mobile Limited, và China Unicom Hong Kong Limited là ba doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Trung Quốc sắp bị Sàn chứng khoán New York hủy niêm yết, một động thái nối gót sau khi chính quyền Mỹ ban hành sắc lệnh cấm đầu tư vào 31 doanh nghiệp mà phía Mỹ cho rằng do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát.
Theo quyết định của Sàn chứng khoán New York, giao dịch của ba doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn chứng khoán này sẽ bị tạm ngừng vào ngày 7/1 hoặc muộn nhất là ngày 11/1, trùng với thời điểm sắc lệnh cấm đầu tư của ông Trump có hiệu lực.
Trước đó, vào tháng 11/2020, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào các doanh nghiệp mà phía Mỹ xác định có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Sắc lệnh này sẽ có hiệu lực vào ngày 11/1 tới, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức.
Trong nội dung công bố trên website của mình, Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho rằng kế hoạch trên của Mỹ có "động cơ chính trị". Ủy ban này đánh giá, động thái của Mỹ "hoàn toàn coi nhẹ tình hình hiện nay của ba doanh nghiệp có liên quan cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư toàn cầu, đồng thời làm xói mòn nghiêm trọng các thông lệ thị trường".
Theo Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc, chứng chỉ lưu kí tại Mỹ (ADR) của ba doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc nói trên có tổng giá trị dưới 20 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,07 tỷ USD), bằng 2,2% giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp này.
"Nếu bị hủy niêm yết, tác động trực tiếp đến sự phát triển và hoạt động thị trường của ba doanh nghiệp Trung Quốc là khá hạn hẹp", Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc nhận định.
Cổ phiếu China Mobile giao dịch tại Hong Kong hôm nay 4/1 lao đáy tháng 7/2007, sau khi rớt 4,5% về 42,20 đô la Hong Kong/cổ phiếu, còn cổ phiếu China Telecom và China Unicom lần lượt giảm 5,6% và 3,4%. Trong khi đó, chứng khoán Hong Kong chiều nay tiếp tục giữ sắc xanh với chỉ số Hang Seng tăng 0,89% lên 27.472,81 điểm.
Cả ba doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc nói trên đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo hủy niêm yết từ Sàn chứng khoán New York.
Bình luận về động thái của phía Mỹ, các nhà phân tích của Công ty chứng khoán Citic Securities (Quảng Đông, Trung Quốc) cho rằng quyết định hủy niêm yết của Sàn chứng khoán New York không ngoài dự đoán.
"Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của ba doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc chỉ chiếm mức bình quân 1,5%, trong khi số cổ phiếu còn lại của họ được niêm yết tại Hong Kong có tính thanh khoản rất cao và những doanh nghiệp này cũng chưa có bất kỳ hoạt động huy động vốn nào trong 20 năm qua. Việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ sẽ chỉ khiến họ đối mặt với nhiều rủi ro hơn", Citic Securities nêu.
Các chuyên gia Citic Securities cho biết, những năm gần đây, việc doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy niêm yết tại Mỹ hay chọn niêm yết lần hai tại thị trường Hong Kong đã trở thành điều khá bình thường. Không những vậy, việc bị hủy niêm yết tại thị trường Mỹ cũng tạo cơ hội để ba doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc định giá lại cổ phiếu, đồng thời cắt giảm chi phí công khai tài chính.
Những tuần qua, Washington tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Trong tháng 12/2020, phía Mỹ đã bổ sung hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen bị hạn chế giao dịch thương mại, với cáo buộc Bắc Kinh sử dụng những doanh nghiệp này để khai thác công nghệ dân sự vào mục đích quân sự.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 2/1 lên tiếng rằng cơ quan này sẽ thực hiện "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Trung Quốc.
VietBF @ Sưu tầm