Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản chiều 21/12, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Yamada Takio cho biết, có thêm 22 doanh nghiệp nước này thuộc chương trình hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi cung ứng của chính phủ, chọn Việt Nam là điểm đến. Như vậy tính đến nay là 37 doanh nghiệp Nhật Bản công bố muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chia sẻ tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật tại Hà Nội chiều 21/12. Ảnh: VGP.
"Việt Nam đang đứng đầu các địa điểm khi doanh nghiệp Nhật thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng", ông Takio nhấn mạnh. Cộng cả lần 1 công bố hồi tháng 7, hiện 37 trong 81 doanh nghiệp Nhật tham gia chương trình muốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan hiện là nước xếp thứ hai khi được 19 doanh nghiệp chọn.
Theo ông Takio, trong khi nhiều quốc gia đang chật vật chống Covid-19, Việt Nam đã khống chế dịch thành công và là một trong số ít những nền kinh tế có tăng trưởng dương trong 2020, ước khoảng 2,48%. Trong 11 tháng năm nay, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. "Trên thế giới, duy nhất Việt Nam đạt được thành công lớn như vậy", ông nói.
Nhờ vậy, Việt Nam đã tăng sức hấp dẫn của mình trong mắt các nhà đầu tư, trong đó có doanh nghiệp Nhật. Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh, chính phủ nước này đang "dồn sức" giúp doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam mà gói hỗ trợ 2,3 tỷ USD của chương trình hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi cung ứng là ví dụ.
Danh sách các doanh nghiệp chuyển sản xuất sang Việt Nam
Hồi tháng 7, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) Hà Nội xác nhận, 15 trên 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí trong dự án đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN, chọn đến Việt Nam.
Đa số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hoà hay module điện... Trong danh sách này, Tập đoàn Hoya sản xuất linh kiện ổ cứng dự kiến di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam và Lào.
Theo công bố của Jetro, số tiền trợ cấp dao động 100 triệu đến 5 tỷ yen, bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt máy móc, thiết bị cho việc mở rộng sản xuất.
Nhật Bản đã đẩy mạnh đáng kể chương trình khuyến khích doanh nghiệp xây dựng cơ sở ở Đông Nam Á nhằm đa dạng chuỗi cung ứng vốn. Chính phủ Nhật Bản sẽ trả một nửa chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp lớn và đến hai phần ba cho các doanh nghiệp nhỏ hơn. Các khoản trợ cấp được áp dụng cho các sản phẩm có xu hướng sản xuất tập trung ở một quốc gia. Động thái này nhằm giúp các doanh nghiệp mở rộng hoạt động tại các quốc gia, chứ không phải lôi kéo họ rời khỏi bất kỳ quốc gia nào.
VietBF sưu tầm