Thời báo Hoàn cầu cảnh báo các tàu chiến của Australia không được tới các khu vực ven biển của Trung Quốc, nếu không sẽ "nuốt phải thuốc đắng", giữa lúc căng thẳng leo thang.
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc, vốn căng thẳng trong nhiều tháng qua, đã "nổi sóng" sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng bức ảnh gây tranh cãi trên mạng xã hội Twitter hôm 30/11, trong đó có hình một binh sĩ Australia cầm dao kề vào cổ một đứa trẻ Afghanistan kèm theo chú thích "Đừng sợ, chúng tôi đến để mang lại hòa bình cho các bạn".
Bức ảnh được đăng tải sau một cuộc điều tra kéo dài cho thấy lực lượng đặc nhiệm của Australia có thể đã phạm phải các tội ác chiến tranh trong khi được triển khai tại Afghanistan.
Australia đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc xin lỗi về việc đăng tải hình ảnh gây tranh cãi. Đáp lại, Bắc Kinh từ chối xin lỗi và nói rằng chính Australia nên xin lỗi người dân Afghanistan. Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia chỉ trích Canberra phản ứng thái quá với bức ảnh và kích động vấn đề vì mục đích chính trị trong nước.
Trong một động thái "đổ thêm dầu vào lửa", truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 1/12 cáo buộc Australia "đối xử thiện chí của Trung Quốc bằng ác ý". Nhân dân Nhật báo viết rằng các chính trị gia Australia tung ra các cáo buộc vô lý nhằm chống lại Trung Quốc và "hãy chấm dứt sử dụng nhân quyền như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác".
Thời báo Hoàn cầu còn đi xa hơn khi bình luận rằng yêu cầu xin lỗi của Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bị Bắc Kinh "từ chối một cách tàn nhẫn" và bị người dân Trung Quốc chế giễu. Một biên tập viên của Thời báo Hoàn cầu viết trên Twitter rằng Australia "thậm chí không thể được xem là con hổ giấy, đó chỉ là một con mèo giấy".
Tờ báo đã chỉ trích "hành vi ác ý" của Australia chống lại Trung Quốc và thậm chí còn đe dọa hải quân Australia.
"Là kẻ ăn theo của Mỹ, Australia nên kiềm chế sự kiêu ngạo. Đặc biệt, các tàu chiến nước này không được tới các khu vực ven biển của Trung Quốc để phô diễn cơ bắp, nếu không nó sẽ bị nuốt những viên thuốc đắng", bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu viết.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds không phản hồi bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu nhưng trước đó tuyên bố với hãng Sky News ngày 1/12 rằng Australia thực hiện các quyền quốc tế ở Biển Đông và nguy cơ của một cuộc đối đầu ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng leo thang "hoàn toàn chỉ là những lời đe dọa".
Các đồng minh toàn cầu lên tiếng bảo vệ Australia
Các đồng minh toàn cầu đã lên tiếng ủng hộ Australia khi chỉ trích Trung Quốc đăng tải bức ảnh gây tranh cãi, và một nhà cựu ngoại giao đã kêu gọi các nước hành động để đáp trả sự cưỡng ép của Bắc Kinh.
Pháp - giống Trung Quốc, một thành viên thường trự của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - cho rằng hành động của Bắc Kinh "không xứng đáng" đối với một quốc gia như Trung Quốc.
"Hình ảnh được đăng tải đặc biệt gây sốc và các bình luận là thành kiến và xúc phạm tất cả các quốc gia có lực lượng vũ trang hiện đang hiện diện tại Afghanistan hoặc đã tham gia tại đó trong 20 năm qua", Bộ Ngoại giao Pháp cho biết trong một tuyên bố ngày 1/12.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm qua cho biết, chính phủ của bà đã trực tiếp nêu ra các lo ngại với phía Trung Quốc về hình ảnh "không phù hợp" gắn liền với một thông điệp do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng tải.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa phản hồi chính thức nhưng trong một bình luận nhắm tới Trung Quốc, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nói rằng rượu vang Australia sẽ được phục vụ tại một bữa tiệc của Nhà Trắng trong tuần này sau khi Trung Quốc tăng thuế áp lên mặt hàng rượu vang của Australia.
Các nghị sĩ Anh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Australia trong một cuộc thảo luận về việc cấm công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia mạng lưới 5G của nước này.
Căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc được xem là đang căng thẳng ở mức chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Australia từ lâu vẫn lo ngại sự can thiệp của Trung Quốc vào chính trị nội bộ nước này. Vào năm 2018, Canberra đã cấm Huawei tham gia mạng 5G tại Australia. Đầu năm nay, Thủ tướng Scott Morrison tiếp tục kêu gọi mở một cuộc điều tra nhằm vào nguồn gốc của Covid-19. Australia cũng thể hiện sự ủng hộ với Mỹ nhằm phản đối sự bành trướng của Trung Quốc trên các vùng biển khắp thế giới, trong đó có Biển Đông.
Đáp trả, Bắc Kinh đã tung ra một loạt các biện pháp, cả chính thức lẫn không chính thức, nhằm vào các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu từ Australia. Sự trả đũa của Bắc Kinh đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới Canberra vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia.
Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, một chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng bức ảnh của phát ngôn viên Triệu Lập Kiên là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất về "chính sách ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc, trong đó các nhà ngoại giao trẻ muốn "gây ấn tượng để được thăng thức sớm".
|