Israel đến nay vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về các cáo buộc của Iran liên quan đến vụ nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh bị sát hại gần thủ đô Tehran hôm 27/11.
Liên quan đến vụ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran bị ám sát gần thủ đô Tehran hôm 27/11 vừa qua, các quan chức Mỹ nói với đài CNN rằng họ đang theo dõi sát sao tình hình, nhưng đồng thời cũng tránh nêu bình luận công khai về vụ việc nhằm tránh "đổ thêm dầu vào lửa", bởi mối quan hệ giữa Mỹ-Iran và Iran-Israel vốn đã rất căng thẳng từ trước đó.
Ngày 27/11, nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh, người được mệnh danh là "cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran" đã bị một nhóm người chưa rõ danh tính phục kích trên đường di chuyển ở phía Tây thủ đô Tehran.
Truyền thông địa phương cho biết đã có một vụ nổ và một vụ xả súng ác liệt xảy ra, khiến ông Fakhrizadeh bị thương nặng và tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện.
Phía Tehran đã ngay lập tức "chỉ mặt" Israel là kẻ đứng sau vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh, và gọi vụ việc là một hành động khủng bố. Trong khi đó, Israel đến nay vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về các cáo buộc này.
Vài tuần trước khi xảy ra vụ ám sát ông Fakhrizadeh, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã công bố rằng Iran hiện sở hữu trữ lượng uranium làm giàu gấp 12 lần so với giới hạn cho phép trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), một động thái được Israel và các nước vùng Vịnh Ả Rập hoan nghênh, nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng điều này sẽ mở đường cho Iran tránh thực hiện các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận.
Thêm một thách thức đối với ông Joe Biden
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố là tân tổng thống đắc cử, cho biết ông sẽ khôi phục các nỗ lực đàm phán với Tehran về thỏa thuận hạt nhân sau khi nhậm chức.
Tuy nhiên, theo CNN, vụ ám sát "cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran" sẽ khiến tình hình thêm phức tạp, và bất cứ động thái nào khiến căng thẳng giữa hai nước Mỹ-Iran leo thang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực này sẽ khiến nhiệm vụ của ông Biden càng thêm khó khăn hơn nữa.
Các chuyên gia bình luận với CNN rằng vụ việc ngày 27/11 phù hợp với xu hướng chuyển biến ở Trung Đông trong thời gian gần đây, trước khi ông Trump rời nhiệm sở: Các quốc gia lo sợ Iran trở thành đồng minh, đoàn kết đối phó với Iran; điển hình là việc Israel bình thường hóa quan hệ với hai quốc gia vùng Vịnh là các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain, và có thể sẽ có những thay đổi tương tự khi các nước chuẩn bị thay đổi chính sách thời Biden.
"Tôi tin chắc là Israel đã làm điều đó [vụ ám sát]", ông Simon Henderson, một nhà nghiên cứu Mỹ - chuyên gia về chương trình hạt nhân của Iran, bình luận. "Nếu bạn đặt mình vào vị trí của Israel, bạn sẽ muốn 'đảo ngược' chương trình [hạt nhân của Iran] vài tháng, thậm chí là vài năm. Và bạn sẽ muốn tranh thủ thời gian này để hành động và thoát tội, vì bạn biết mình sẽ không thể làm điều đó dưới thời chính quyền Biden".
Ben Rhodes, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Barack Obama, đã tuyên bố trên Twitter rằng vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh là "một hành động quá khích nhằm phá hoại quan hệ ngoại giao giữa tân chính quyền Mỹ và Iran. Đã đến lúc sự leo thang không ngừng này phải chấm dứt."
Theo CNN, Mỹ đã theo dõi ông Fakhrizadeh trong nhiều năm qua. Trong một bài phát biểu hồi năm 2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo từng nói rằng chính phủ Iran "làm tất cả" để bảo vệ, che giấu và bảo toàn tính mạng cho nhà khoa học này, bởi đó là nhân vật rất quan trọng đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, sau cái chết của ông Fakhrizadeh, Mỹ không có động tĩnh và cũng không đưa ra bất cứ bình luận công khai nào về vụ việc. Điều này cho thấy các cố vấn cấp cao của ông Trump không muốn "đổ thêm dầu vào lửa" trong mối quan hệ với Iran trong khoảng thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ, CNN bình luận.
Một quan chức Mỹ tiết lộ với CNN rằng phía Washington vẫn đang tiếp tục tìm hiểu và thu thập các thông tin tình báo để hiểu rõ hơn về vụ ám sát chấn động này.
Trong khi các quan chức giữ im lặng, thì Tổng thống Trump đã "phản ứng" bằng cách chia sẻ lại dòng tweet của một nhà báo Israel - người này bình luận rằng sự ra đi của ông Fakhrizadeh là một "đòn giáng mạnh" đối với Iran.
Phía Mỹ khẳng định "không có lý do gì" để tấn công Iran vào thời điểm này
CNN cho biết, lập trường của quân đội Mỹ ở thời điểm hiện tại là không tấn công Iran, trừ khi Iran gây hấn với Mỹ trước.
Trong khi đó, thách thức quân sự khi tấn công một mục tiêu như cơ sở hạt nhân ở Natanz vẫn không thay đổi. Chiến dịch này sẽ yêu cầu các máy bay do người lái tiến hành nhiều đòn không kích liên tiếp và phải vượt qua hệ thống phòng không của Iran; và Mỹ tin rằng trong kịch bản này, Iran sẽ nhanh chóng trả đũa bằng các đòn tấn công tên lửa trong khu vực.
Ba nguồn tin khác nhấn mạnh với CNN rằng Iran phải thực hiện những đòn khiêu khích trực diện và rõ ràng thì mới có thể khiến Mỹ có hành động trả đũa quân sự.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết họ đang theo dõi sát sao tình hình, đồng thời nhận định rằng tình hình hiện nay vô cùng nhạy cảm. Một cuộc xung đột với Iran là điều Mỹ không hề mong muốn trong thời điểm này, vì Mỹ hiện chỉ có hơn 50.000 binh sĩ trong khu vực - không đủ để tiến hành một chiến dịch vũ trang nhằm đối phó Iran.
Mỹ không có kế hoạch điều thêm binh sĩ đến khu vực vùng Vịnh, nhưng tàu sân bay USS Nimitz đang được điều về Vịnh Ba Tư cùng các tàu chiến khác để hỗ trợ chiến đấu và yểm trợ trên không khi Mỹ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan trước khi ông Trump rời nhiệm sở vào giữa tháng 1/2021, CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ. Quyết định này được đưa ra trước khi có thông tin về vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh.
Mỹ cũng đang tiếp tục theo dõi sát sao các thông tin tình báo về những mối đe dọa tiềm tàng, và tăng cường cảnh giác khi vụ ám sát Chỉ huy Lực lượng Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran - Tướng Qasem Soleimani - sắp tròn một năm. Iran trước đó đã thề sẽ "trả thù" cho Tướng Soleimani.
VietBF @ Sưu tầm