Khác với lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các cố vấn của ông Joe Biden cho rằng không nên bán tiêm kích F-35 cho các nước Ả Rập, bởi điều này sẽ tác động xấu đến Israel.
Mặc dù Israel liên tục bác bỏ những tin đồn về việc Mỹ đồng ý bán tiêm kích tàng hình F-35 cho UAE là để đổi lấy một thỏa thuận hòa bình giữa Tel Aviv và Abu Dhabi, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thông tin trên là có cơ sở.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Israel, Tony Blinken - Cố vấn về chính sách đối ngoại của ứng cử viên Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden cho biết, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số nước Ả Rập gần đây là một dạng thỏa thuận "quid pro quo" - có qua có lại.
Cố vấn của ông Biden tin rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã hứa bán chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho UAE để đổi lấy việc nước này đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel.
Ông Tony Blinken cũng nhắc đến kế hoạch bán chiến đấu cơ F-35I "Adir" cho Israel dưới thời chính quyền Obama-Biden nhằm đảm bảo ưu thế quân sự của Tel Aviv trong khu vực. Điều này có thể sẽ thay đổi nếu các nước Ả Rập cũng sở hữu dòng tiêm kích hiện đại này.
Cũng theo ông Blinken, nếu ông Biden đắc cử trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46 trong cuộc bầu cử vào ngày mai 3/11, chính quyền của ông Biden sẽ xem xét lại hợp đồng bán chiến đấu cơ F-35 cho UAE vừa được trình lên Quốc hội Mỹ.
Dĩ nhiên, cố vấn của ông Biden vẫn ca ngợi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Ả Rập (vốn cũng là đồng minh của Mỹ) nhưng chính quyền của ông Biden mong muốn thỏa thuận trên sẽ diễn ra theo một cách khác nhằm giảm thiểu tối đa các tác động xấu cho Israel.
Theo Sputnik, tuyên bố của ông Blinken đã thể hiện rõ lập trường của ông Biden về việc hợp đồng F-35 giữa Mỹ và UAE, không loại trừ khả năng chính quyền của ông Biden sẽ "hy sinh" mối quan hệ đồng minh với Abu Dhabi để thể hiện cam kết "bảo vệ" Israel.
Được biết, với sự trung gian của Mỹ đã có ít nhất năm quốc Ả Rập đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel gồm: Ai Cập (1979), Jordan (1994) và mới đây là UAE, Bahrain và Sudan.
VietBF @ Sưu tầm