Sau khi ra đời được 3 ngày, bé gái ở Thái Bình đã có biểu hiện đỏ mắt, chảy nhiều dịch mủ màu vàng. Đi khám, gia đình bất ngờ khi biết con mắc bệnh lậu.
Bệnh nhi được chuyển từ Thái Bình lên Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) điều trị. Tại đây, trẻ được chẩn đoán mắc lậu mắt trẻ sơ sinh với các triệu chứng điển hình (mắt đỏ, trên bờ mi chảy dịch mủ màu vàng, đóng vảy tiết). Trẻ được chỉ định điều trị theo phác đồ điều trị lậu ở trẻ em kèm theo rửa vệ sinh, tra thuốc mắt thường xuyên.
Kết quả khám, xét nghiệm, kiểm tra nhuộm soi vi khuẩn dịch âm đạo của người mẹ cho thấy thấy hình ảnh lậu cầu. Như vậy, có thể khẳng định trẻ bị lây lậu từ mẹ.
Bé gái là con đầu lòng, chào đời bằng phương pháp sinh thường, khoẻ mạnh. Trước đó, bố trẻ có bị bệnh lậu, đã điều trị khỏi. Trong quá trình mang thai, người mẹ đi khám nhưng không phát hiện bệnh lý đặc biệt.
Theo bác sĩ Hà Tuấn Minh, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương, nam giới mắc bệnh lậu sẽ có biểu hiện rầm rộ như khó chịu, đái buốt, ra mủ niệu đạo, thường kèm theo phù nề,... trong khi đó biểu hiện ở phụ nữ thường không rõ. Phụ nữ nhiễm lậu cầu có thể ra ít dịch giống như viêm nhiễm thông thường khác nên dễ bỏ qua.
“Bệnh lậu mắt ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu rất điển hình, thường xuất hiện rầm rộ vài ngày sau sinh. Bệnh chỉ lây với trường hợp trẻ được sinh thường. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 5-10 trẻ mắc bệnh này”, BS Minh cho biết.
Bị bệnh lậu ở mắt, trong 1-2 ngày đầu sau sinh, trẻ sẽ có biểu hiện sưng nề một hoặc hai bên mắt, mắt xuất tiết, chảy mủ nhiều. Điều trị theo đúng phác đồ, kết hợp làm sạch mủ, rửa mắt thường xuyên, trẻ có thể khỏi bệnh sau 4-5 ngày. Tuy nhiên, nếu không được chữa kịp thời, trẻ có nguy cơ bị viêm, loét giác mạc gây mù vĩnh viễn, bác sĩ Minh cho biết.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, tỷ lệ trẻ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục chiếm 0,3-0,5% tổng số bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong 9 tháng đầu, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 250 trẻ mắc các bệnh thường như sùi mào gà, giang mai, nhiễm Herpes.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp Hà Nội cho biết viêm nhiễm phụ khoa có thể gây hại cho cả mẹ và thai nhi. Cụ thể, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai có thể truyền sang con. Bệnh sùi mào gà ở thai phụ có thể gây chảy máu khó cầm, phải mổ lấy thai, lây bệnh cho con khi sinh...
Vì thế, để tránh các bệnh viêm nhiễm vùng kín khi mang thai, chị em cần giữ vệ sinh tốt, mặc đồ lót bằng chất liệu cotton, không thụt rửa sâu bên trong hay bằng các loại xà phòng mạnh. Quan hệ vợ chồng lành mạnh, và có thể sử dụng bao cao su. Khi thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào cần đi khám bác sĩ.
Việc điều trị phụ khoa cho phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ cân nhắc cẩn trọng để chọn cách phù hợp để không ảnh hưởng tới thai nhi. Trước khi có ý định mang thai, chị em cần đi khám sức khỏe tổng quát cũng như phụ khoa, chữa dứt điểm các bệnh viêm nhiễm vùng kín, phần phụ, để đảm bảo an toàn cho mẹ và con sau này. Trong thời gian mang thai cũng cần lưu ý đến việc khám phụ khoa.
VietBF@sưu tập