Phát biểu sau ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Thủ tướng Đức nêu rõ: "Chúng tôi (EU) đã yêu cầu Anh tiếp tục sẵn sàng thỏa hiệp nhằm đạt được một thỏa thuận. Tất nhiên, điều này cũng có nghĩa là chúng tôi cũng phải thỏa hiệp".
Hiện cả EU và Anh đều đang nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận đối tác mới trong mọi lĩnh vực, từ thương mại tới giao thông và hợp tác hạt nhân, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 khi quá trình chuyển tiếp hậu Brexit kéo dài 11 tháng sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Hiện các quy định về cạnh tranh công bằng và quyền đánh bắt cá đang là những vấn đề chính cản trở đàm phán song phương đi đến đích cuối cùng.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier ngày 15/10 cũng tuyên bố EU sẵn sàng thực hiện những bước đi "hợp lý" trong đàm phán về vấn đề đánh bắt cá, nhưng phải bảo vệ được hoạt động đánh bắt của ngư dân EU. Ông nhấn mạnh để đạt được điều này cần phải có cách tiếp cận các vùng biển một cách công bằng và trên nguyên tắc "có đi có lại".
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố cộng đồng ngư dân Pháp không thể mất quyền tiếp cận các vùng biển Anh vì Brexit. Ông nhấn mạnh rằng trong mọi tình huống, các ngư dân sẽ không phải là những người “phải hy sinh” vì Brexit. Bảo vệ quyền tiếp cận của ngư dân tới các vùng biển của Anh là một vấn đề quan trọng đối với Pháp.
Tổng thống Macron đã đưa ra đường lối cứng rắn nhất về quyền đánh bắt cá trong các cuộc thảo luận 6 tháng qua nhằm tạo dựng mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh vào cuối năm nay. Pháp và một số quốc gia EU khác muốn tiếp tục được hưởng quyền tiếp cận các vùng biển của Anh, ngay cả sau khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào ngày 31/12 tới. Ngược lại, Anh muốn hạn chế quyền tiếp cận này và kêu gọi đàm phán lại hàng năm.
Tuy nhiên, bất chấp sự thật rằng hai bên vẫn còn nhiều bất đồng trong vấn đề quan trọng liên quan tới quyền đánh bắt cá, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney ngày 15/10 vẫn bày tỏ tin tưởng thỏa thuận thương mại Anh-EU có thể hoàn tất trong những tuần tới, khoảng đầu tháng 11.
Hội nghị thượng đỉnh EU lần này (diễn ra trong hai ngày 15-16/10) là thời hạn chót mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU. Đầu tháng 9, ông tuyên bố nếu sau thời hạn này mà hai bên không đạt thỏa thuận, Anh sẽ có một thỏa thuận "theo kiểu Australia" với EU, tức là giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một kịch bản được cho là sẽ gây ra gián đoạn nghiêm trọng trong hợp tác kinh tế và giao thông song phương.
EU chưa bao giờ công nhận "tối hậu thư" mà Thủ tướng Anh đưa ra, song trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU trước đó đã cảnh báo nếu đạt một thỏa thuận với Anh sau tháng 10 thì các nước thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu (EP) khó có thể kịp phê chuẩn văn kiện này trong năm nay.
Hiện Anh và EU đều nhất trí tiếp tục đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trong những tuần tới. Ông Barnier cho rằng các cuộc đàm phán có thể kéo dài đến cuối tháng 10 này, mốc được EU ấn định để các quốc hội thành viên có đủ thời gian thông qua thỏa thuận trước khi quá trình chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31/12.
VietBF @ Sưu tầm