Người dùng mạng Trung Quốc phàn nàn cuộc tranh luận "quá ồn ào" còn giới học giả cho rằng hai ứng viên quá bận công kích nhau nên không làm rõ được chính sách.
Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đối đầu nhau trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên ở Ohio ngày 29/9. Gu Su, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, nói rằng thật thất vọng khi thấy hai ứng viên dành quá nhiều thời gian để phỉ báng và cáo buộc lẫn nhau, trong khi Trump tỏ ra ít tôn trọng các quy tắc tranh luận.
"Không có nhiều màn đối đáp về Trung Quốc như chúng tôi tưởng, mặc dù cả hai ứng viên đều chọn tập trung vào Trung Quốc như vấn đề chính sách đối ngoại hàng đầu trong chiến dịch", Gu nói.
Tổng thống Trump (trái) và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tại cuộc tranh luận ở Ohio ngày 29/9. Ảnh: Reuters.
Trong khi cả hai ứng viên đều chỉ trích Trung Quốc xử lý kém Covid-19 trong giai đoạn đầu, đặt ra nghi ngờ về số liệu thống kê Covid-19 của Bắc Kinh và các vấn đề thương mại, họ không đưa ra được lập luận có giá trị.
"Nhìn chung, cuộc tranh luận rất lộn xộn. Đây là một trong những cuộc tranh luận tổng thống tồi tệ nhất trong nhiều năm. Không có người chiến thắng, vì nó không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người trên thế giới về Mỹ, một trong những nền dân chủ phát triển nhất".
Bắc Kinh đã đáp trả những lời chỉ trích từ Trump và Biden rằng Trung Quốc không nên được sử dụng như một "quả bóng chính trị", được hai bên sử dụng để "đá qua đá lại" nhằm đạt được lợi ích cho mình. "Chúng tôi kiên quyết phản đối việc những người ở phía Mỹ lợi dụng Trung Quốc cho chiến dịch tranh cử của họ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói. "Thực tế đã chứng minh những cáo buộc của Mỹ chống lại Trung Quốc là vô căn cứ".
Các nhà quan sát khác cho rằng Trump đã quá đà khi cố gắng khiến Biden mất tinh thần bằng cách liên tục ngắt lời. Theo Huang Jing, chuyên gia về Mỹ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực thuộc Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, trong khi Biden duy trì hình ảnh là một ứng viên thành thục và ổn định hơn, Trump cố gắng chiếm ưu thế bằng những phát ngôn khiêu khích để đánh phủ đầu mọi chỉ trích.
"Cả hai ứng viên đều muốn sử dụng Trung Quốc để tấn công đối thủ, điều này khiến họ không thể tập trung vào bất kỳ vấn đề cụ thể nào về Trung Quốc", ông nói. "Họ liên tục cướp lời nhau và Trump dường như quá nóng lòng ghi điểm".
Tổng thống nhiều lần cố gắng lôi kéo Biden vào cuộc tranh luận về Trung Quốc bằng cách công kích cách cựu phó tổng thống đối phó với Bắc Kinh trước đây và công việc của con trai ông, Hunter, tại Trung Quốc. "Nhưng Biden đã chuẩn bị kỹ lưỡng và không rơi vào bẫy của Trump, người đang hy vọng hồi sinh chiến dịch tái tranh cử bằng cách cứng rắn với Trung Quốc và đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm của Barack Obama, khi Biden là phó tổng thống", Huang nói.
An Gang, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc chuyên về Mỹ, đánh giá cuộc tranh luận ít khả năng tác động lớn đến kết quả bầu cử, vì hầu hết thăm dò sau tranh luận cho thấy Biden vẫn dẫn trước.
"Không ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc và các vấn đề chính sách đối ngoại khác không được nhắc đến quá nhiều trong tranh luận. Họ đã tập trung vào Covid-19, kinh tế, người nhập cư và các vấn đề trong nước khác", An nói.
"Điều này phản ánh trung thực thực tế của các cuộc bầu cử Mỹ, các vấn đề ngoại giao hiếm khi chiếm nhiều mối quan tâm của cử tri Mỹ, mặc dù người Trung Quốc nghĩ rằng các chủ đề liên quan đến Trung Quốc sẽ nổi bật trong cuộc bầu cử 2020".
Nhiều người Trung Quốc đã thảo luận về cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Hầu hết cho rằng hai ứng viên "cãi vã ỏm tỏi" thay vì thảo luận đúng mực.
Một người dùng Weibo mô tả cuộc tranh luận "ồn ào" và không đạt kỳ vọng. "Tôi sẽ cảm thấy rất thất vọng nếu tôi là người Mỹ". "Đây có phải là văn minh kiểu Mỹ không?", một người khác viết.
Trump và Biden "không làm gương cho người Mỹ về cách tham gia vào các cuộc tranh luận", Hồ Tích Tiến, tổng biên tập báo Trung Quốc Global Times, viết trên Twitter.