Trong tiếng đàn ghita trầm bổng, một người phụ nữ đeo kính, tóc ngắn, mặc áo khoác đỏ giới thiệu các địa danh tại Bình Nhưỡng, thủ đô Triều Tiên.
"Mọi tòa nhà ở Bình Nhưỡng đều đang được tổng vệ sinh để quét sạch bụi bẩn từ mùa đông", cô nói bằng tiếng Anh trong một video gần đây trên YouTube.
Trong một video khác, vẫn người phụ nữ tên Un A này, mặc quần áo, đi giày thể thao, chạy bộ dọc sông Taedong ở Bình Nhưỡng vào ngày nghỉ của mình.
Un A trong một video trên YouTube giới thiệu về Bình Nhưỡng. Ảnh cắt từ video.
"Hôm nay tôi sẽ cho các bạn thấy người Triều Tiên làm gì trong thời gian rảnh, được chứ?", cô nói. "Tôi thấy hoạt động phổ biến nhất trong thời gian rảnh rỗi của chúng tôi là chơi thể thao..., những môn như bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn".
Điểm đặc biệt là trên trang phục của cô không có chiếc ghim cài áo mà người Triều Tiên thường đeo khi ra ngoài in hình ảnh hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Hầu hết người dân Triều Tiên đều không thể tiếp cận mạng Internet. Nhưng những video này được làm ra dường như không hướng tới đối tượng khán giả là người dân trong nước. Thay vào đó, nó là một phần trong nỗ lực của Triều Tiên nhằm xây dựng hình ảnh quốc tế, dựa vào các mạng xã hội phương Tây như YouTube hay Twitter.
Không biết chính xác ai là người tạo và đăng tải các video như trên lên các kênh YouTube. Kênh có các video do cô gái Un A dẫn dắt mang tên "Echo of Truth" với 23.000 lượt người theo dõi. Từ năm ngoái đến nay, nó đã đăng hàng chục video với các tiêu đề như "What's Up Pyongyang" (Chuyện gì vậy Bình Nhưỡng) hay "Pyongyang Tour Series" (Tour Du lịch Bình Nhưỡng). Theo lời giới thiệu, kênh được lập từ năm 2017.
Hầu hết các video đều tập trung vào chủ đề tiêu dùng và cuộc sống ở Triều Tiên, ví dụ một video Un A bàn về lợi ích của bộ đồ ăn bằng đồng hay video ghi lại cảnh cô la hét khi chơi trò mạo hiểm trong công viên.
Kênh còn liên kết với một tài khoản Twitter tên @
coldnoodlefan (người hâm mộ mỳ lạnh). Phần tiểu sử mô tả tài khoản này, với 8.600 người theo dõi, là một "người ủng hộ hòa bình" mang đến "tin tức không thiên vị" về Triều Tiên.
Twitter dán nhãn "tạm thời bị hạn chế" tài khoản @
coldnoodlefan kèm theo cảnh báo về "hoạt động bất thường". Dù vậy, người dùng vẫn có thể tiếp cận với những nội dung mà nó đăng tải.
Giới quan sát suy đoán các tài khoản YouTube và Twitter này có mối liên hệ với truyền thông nhà nước hoặc trực thuộc nhà nước Triều Tiên. Dù rất khó để kiểm chứng, các nhà phân tích tin rằng người dân bình thường ở Triều Tiên ít khả năng làm được những video như vậy.
"Chúng ít nhiều phải có sự hậu thuẫn từ chính quyền", Rachel Minyoung Lee, cựu chuyên gia phân tích về Triều Tiên cho chính phủ Mỹ, nhận định. "Nhưng tất nhiên, không thể nói chúng là do nhà nước điều hành".
Theo Lee, việc sử dụng mạng xã hội phương Tây là bước ngoặt mới trong chiến lược tuyên truyền của Bình Nhưỡng khi dùng Internet xây dựng nhận thức của người nước ngoài đối với Triều Tiên. Đến nay, họ vẫn chủ yếu vẫn dựa vào truyền thông nhà nước và các cách thức truyền thống.
Chính quyền Triều Tiên muốn xóa tan quan niệm rằng họ là "một đất nước nghèo nàn, thiếu thốn" và người dân "không có quyền tự do làm bất cứ điều gì", Lee nhận xét.
Trong một số tập đăng lên YouTube mùa xuân năm nay, Un A phản bác các bản tin nước ngoài nói rằng Covid-19 đã kích động một làn sóng mua sắm hoảng loạn ở Bình Nhưỡng. Cô quay video một siêu thị hiện đại với người mua bình thản và hàng hóa chất đầy trên kệ, từ đồ ăn, chất khử trùng đến giấy vệ sinh.
"Như các bạn thấy, tất cả các cửa hàng đều tràn trề hàng hóa, thực phẩm, đủ đáp ứng nhu cầu của người dân", Un A nói với người xem bằng tiếng Anh.
Một video khác hướng tới người dân Hàn Quốc. Các trang web Triều Tiên bị chặn ở Hàn Quốc vì luật an ninh nhưng YouTube thì không.