Washington Post đưa tin, việc những người Mỹ giàu có bỏ tiền để có được quyền công dân thứ hai đang ngày càng trở nên phổ biến.
Theo Washington Post, do đại dịch Covid-19 nhiều quốc gia vẫn không cho phép người mang hộ chiếu Mỹ nhập cảnh, vì vậy những người giàu có của Mỹ đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách có được quyền công dân thứ hai.
“Xu hướng mới nhất của những người Mỹ giàu có là mua quyền công dân của một quốc gia khác”, Washington Post viết.
Trong nhiều năm qua, hộ chiếu Mỹ vốn được coi là cuốn hộ chiếu quyền lực, với khả năng đi lại tự do đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đầu năm 2020, theo công bố của Henley & Partner, công ty tư vấn cư trú và quyền công dân toàn cầu, hộ chiếu Mỹ đứng thứ 8 trên thế giới về mức độ quyền lực. Công dân Hoa Kỳ được phép nhập cảnh mà không cần xin visa, hoặc xin trực tiếp tại nơi nhập cảnh ở 184 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã thay đổi tình trạng này, nhiều quốc gia đã sự hạn chế đi lại trong mùa dịch bệnh. Tuy nhiên, phần lớn các nước hiện nay có chung một quan điểm là du khách đến từ Mỹ không được chào đón. Nhiều quốc gia đã thắt chặt đi lại với du khách Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) cấm công dân Mỹ nhập cảnh, ngoại trừ Croatia.
Những hạn chế du lịch này đã tạo ra một xu hướng mới ngày càng tăng trong những người giàu có ở Mỹ là mua hộ chiếu thứ hai.
“
Với việc hạn chế di chuyển này nhiều người nhận ra những lợi ích của việc có nhiều hơn một hộ chiếu”, ông Armand Arton - Chủ tịch hãng tư vấn tài chính thế giới Arton Capital, về vấn đề di trú và nhập cư toàn cầu nói.
Người Mỹ giàu có bắt đầu mua quyền công dân thứ hai. (Ảnh minh họa)
Theo Washington Post, việc được cấp quyền công dân thứ hai và hộ chiếu được quy định bằng cách người đó đầu tư vào nền kinh tế của nước sở tại. Những khoản đầu tư này có thể đến dưới dạng bất động sản và trái phiếu, hoặc dưới hình thức các sáng kiến kinh doanh khác nhau.
Theo ông Arton, nhu cầu về các dịch vụ này của công ty ông gần đây đã tăng 30-40%. Chi phí của các dịch vụ này dao động từ 100 nghìn USD cho quyền công dân của một quốc gia Caribbean đến hơn 2 triệu USD cho hộ chiếu của một trong những quốc gia châu Âu.
Người đứng đầu Arton Capital cho biết, nếu trước đó người Mỹ mua quyền công dân thứ hai chủ yếu vì thuế, thì bây giờ giữa đại dịch động lực của họ đã thay đổi.
Washington Post cho rằng, hộ chiếu công dân Hoa Kỳ, từng là một món quà cho khách du lịch, giờ đây có vẻ như là một gánh nặng cho ai đó. Các khách hàng mới của Arton lo ngại rằng nếu đại dịch tiếp tục trong một hoặc hai năm nữa, họ có thể bị mắc kẹt vì hộ chiếu Mỹ. Chính vì lý do này mà giờ đây họ đang cố gắng để có được quyền công dân thứ hai tại các quốc gia có chương trình di cư đầu tư.
Tuy nhiên, Washington Post chỉ ra, phương pháp này không phù hợp với những người cần giải quyết vấn đề khẩn cấp khi rời khỏi Hoa Kỳ, vì hộ chiếu mới chỉ có thể được lấy một thời gian sau khi nộp đơn xin quốc tịch thứ hai.
Trước đó, theo Henley Passport Index, hiện nay, ngay cả các quốc gia có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về quy trình cấp thị thực cũng đang dần mở cửa cho du khách Mỹ tới thăm. Tại Ả Rập Saudi, một chương trình thị thực mới được thiết kế để thu hút khách du lịch Mỹ, trong khi Brazil đã dỡ bỏ hoàn toàn các yêu cầu thị thực cho công dân Mỹ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những quốc gia được cho là bất khả xâm phạm kể cả đó có là công dân Mỹ. Các cuộc gia này thường có các đặc điểm chung như tình hình địa chính trị đặc biệt, quy định cấp thị thực cũng như rà soát khách du lịch gắt gao, hoặc quốc gia đó có những bất ổn về tình hình chính trị khiến chính phủ Mỹ ban lệnh hạn chế công dân đến du lịch. Ngoài ra, một số quốc gia trên thế giới thậm chí gần như nói không với công dân Mỹ như: Triều Tiên, Cuba, Iran, Turkmenistan và Nga.
Thanh Bình (lược dịch)