Triều Tiên năm ngoái đe dọa gây chấn động thế giới bằng "quà Giáng sinh", sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân với chính quyền Trump đổ vỡ.
Tuyên bố của Triều Tiên khiến cả thế giới phập phồng lo sợ, nhưng mùa Giáng sinh 2019 qua đi mà không có vụ thử tên lửa tầm xa hay thử hạt nhân mới nào của Bình Nhưỡng. Các nguồn tin an ninh quốc gia cho rằng món quà Giáng sinh không được trao năm ngoái có thể trở thành "bất ngờ tháng 10" năm nay, ngay trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng ngày 26/7. Ảnh: KCNA.
Các nhà phân tích đang suy đoán về hai phương án lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đưa ra trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, đó là nối lại hành động thử hạt nhân, tên lửa, hoặc làm mọi người ngạc nhiên bằng nỗ lực ngoại giao bất ngờ, hoặc có thể làm cả hai với mục tiêu cuối cùng là gặp thượng đỉnh lần ba với Trump.
Triều Tiên rất có khả năng leo thang căng thẳng trong năm nay, Bruce Klingner, cựu quan chức CIA và hiện là chuyên gia từ Heritage Foundation, cho biết. Ông cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng gia tăng căng thẳng bằng một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc thử hạt nhân vượt qua "lằn ranh đỏ" mà Trump đặt ra hai năm trước.
Vì chính quyền Trump đã gần như phớt lờ các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Bình Nhưỡng trong 18 tháng qua, Bình Nhưỡng có thể nghĩ rằng "Trump coi nhẹ bất cứ động thái nào không tương đương với phóng ICBM hoặc thử hạt nhân. Chúng ta không nhận được bất kỳ đòn bẩy nào từ những động thái này, vì vậy, có lẽ chúng ta phải vượt qua lằn ranh đỏ để có được đòn bẩy".
"Nếu điều đó xảy ra, phản ứng của Mỹ sẽ là gì? Liệu chúng ta có quay trở về với thời kỳ 'lửa và thịnh nộ'?", Klingner nói, nhắc đến lời đe dọa của Trump năm 2017, khi căng thẳng Mỹ - Triều lên đến đỉnh điểm.
"Chúng ta không thể biết trước được", Klingner nói thêm, cho rằng có thể có tới "hai điều bất ngờ tháng 10 sắp tới".
Triều Tiên có thể làm gia tăng căng thẳng để tạo tiền đề dẫn đến đàm phán ngoại giao và sau đó bất ngờ dẫn đến một hội nghị thượng đỉnh khác với Trump, ông nhận định. "Vì vậy, bất ngờ tháng 10 có thể không phải là một sự kiện đơn lẻ. Nó có thể là các sự kiện diễn ra tuần tự".
Một số người suy đoán Trump có thể đang tìm kiếm một bất ngờ trước bầu cử để nhấn mạnh các cuộc gặp chưa từng có tiền lệ với ông Kim nhằm đánh bóng chính sách đối ngoại của ông với cử tri Mỹ.
Trong hồi ký về quãng thời gian làm việc ở Nhà Trắng, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho biết Trump đã tính đến việc thúc đẩy hình ảnh của mình như một "bậc thầy đàm phán" lịch sử bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào phút chót với ông Kim trước cuộc bầu cử tháng 11.
Mặc dù em gái của Kim Jong-un, Kim Yo-jong, và nhà đàm phán hạt nhân chủ chốt của Triều Tiên Choe Son-hui đã mạnh mẽ bác bỏ khả năng tổ chức thêm một hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim, Scott Snyder, người đứng đầu chương trình về chính sách Mỹ - Triều tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói rằng Bình Nhưỡng "vẫn để cửa hé mở, trong trường hợp Trump muốn để lại một món quà ở hiên trước".
"Kim Yo-jong đã nói rằng cô thấy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều thứ ba không phải là một ý tưởng hay vì Trump có thể đạt được lợi ích chính trị từ nó trong khi Triều Tiên sẽ trắng tay", Snyder nói. "Đó là cách Bình Nhưỡng nói với Trump rằng nếu Trump muốn một thỏa thuận, ông ấy sẽ phải cho đi một thứ gì đó".
Các nhà phân tích đồng ý rằng Triều Tiên đang tìm cách loại bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế trong khi giữ lại ít nhất một phần kho vũ khí hạt nhân, từ lâu đã được coi là quan trọng đối với sự sống còn của chính quyền.
Đàm phán giữa hai bên đình trệ kể từ khi hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội tháng 2/2019 không đạt được kết quả. Trump nói rằng ông đã bỏ về sớm vì ông Kim yêu cầu Mỹ dỡ các biện pháp trừng phạt chỉ để đổi lấy cam kết phá hủy một phần kho vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích có lập trường ôn hòa với Triều Tiên ủng hộ Mỹ đưa ra một số nhượng bộ để tạo tiền đề cho một thỏa thuận lớn hơn với Bình Nhưỡng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Nhưng nhiều quan chức an ninh quốc gia Mỹ, đặc biệt là các cố vấn "diều hâu", nhấn mạnh rằng Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược trước khi Washington nới lỏng lệnh trừng phạt.
Sau cuộc gặp ở Hà Nội, Triều Tiên đã thực hiện nhiều vụ thử tên lửa tầm ngắn nhưng không tiến hành bất kỳ vụ thử ICBM hoặc hạt nhân mới nào. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thúc đẩy hai bên nối lại đối thoại, nhưng phản ứng của Triều Tiên rất lạnh nhạt. Nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen E. Biegun, đến Seoul vào đầu tháng 7 để thảo luận về cách phá vỡ bế tắc với Bình Nhưỡng, ngay cả khi truyền thông nhà nước Triều Tiên chế giễu ý tưởng khởi động lại các cuộc đàm phán.
Khi Biegun đến thủ đô Hàn Quốc, Bình Nhưỡng chỉ trích lời kêu gọi nối lại đối thoại của Seoul là "vô nghĩa". Biegun không nao núng. Ông gặp các quan chức Hàn Quốc và sau đó với các quan chức Nhật Bản để thảo luận về cách duy trì một mặt trận thống nhất trong nỗ lực thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng Bình Nhưỡng đang tập trung vào việc đi trước một bước những nỗ lực như vậy.
Tuy vậy, Snyder vẫn không loại trừ khả năng không có "bất ngờ tháng 10" nào vì Bình Nhưỡng, giống như phần còn lại của thế giới, đang chờ kết quả bỏ phiếu của người Mỹ vào mùa thu này.
"Tôi nghĩ rằng Triều Tiên chủ yếu đang chuẩn bị cho nỗ lực tái tiếp cận vào mùa xuân năm 2021, khi đó họ sẽ thể hiện mình là một quốc gia hạt nhân đã có vị thế vững vàng và mục tiêu của họ là để chính quyền mới của Mỹ chấp nhận điều đó", ông nói.