Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã có thái độ phản ứng với Trung Quốc liên quan đến Hong Kong. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam về động thái này.
Phản ứng của EU đối với Trung Quốc là cấm xuất khẩu sang Hong Kong những thiết bị, linh kiện và công nghệ mà EU lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng để thực thi bộ luật an ninh Hong Kong. (Nguồn: SCMP)
Muộn nhưng chưa đến mức quá muộn, Liên minh châu Âu (EU) rồi cũng thể hiện phản ứng chung về việc Trung Quốc ban hành bộ luật về an ninh ở Hong Kong. Sự muộn màng này không khó hiểu bởi EU cần thời gian không thể ngắn để thoả hiệp quan điểm giữa 27 thành viên.
Bên cạnh mối quan hệ chung của EU với Trung Quốc và quan điểm chính sách chung của EU đối với Trung Quốc, từng thành viên EU còn có lợi ích, quan điểm chính sách riêng trong quan hệ riêng với Trung Quốc và vì thế chỉ sẵn sàng chấp nhận những mức độ phản ứng khác nhau về bộ luật mới nói trên của Trung Quốc.
Điều này còn lý giải vì sao phản ứng của EU không thể mạnh mẽ và quyết liệt được như phản ứng của Mỹ, Anh, Canada hay Australia. Trong khi các nước kia có được cả hình thức lẫn thực chất ở những quyết sách mới đưa ra đối với Trung Quốc thì phản ứng của EU không thể là cái gì khác ngoài cái gì đấy ở giữa hình thức và thực chất, trong đó mức độ về hình thức đủ để EU làm cho Trung Quốc thấy là EU phản đối bộ luật mới này trong khi mức độ về thực chất cũng chỉ đủ để phía Trung Quốc hiểu là EU tự kiềm chế và không nhất nhất theo Mỹ, tức là Trung Quốc sẽ không đáp trả EU như ăn miếng trả miếng Mỹ, Anh, Canada và Australia. Dù vậy, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc cũng vẫn không thể tránh khỏi bị phủ bóng đen và trong thời gian tới không thể như không có gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Phản ứng của EU hiện tại là cấm xuất khẩu sang Hong Kong những thiết bị, linh kiện và công nghệ mà EU lo ngại phía Trung Quốc có thể sử dụng để thực thi bộ luật mới kia ở Hong Kong và hậu thuẫn xã hội dân sự ở Hong Kong chứ không trừng phạt về kinh tế, tài chính hay thương mại Trung Quốc và Hong Kong. Đấy là cách chu toàn giúp EU duy trì dư địa cho cả tiến lẫn thoái tuỳ thuộc vào diễn biến mới.