Bộ Truyền thông Anh Quốc (Ofcom) đang bị áp lực phải cấm kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc phát sóng tại Anh. Nhiều cá nhân và tổ chức đã gửi đơn kiện lên Ofcom về việc kênh truyền hình Trung Quốc vi phạm các quy định về tính khách quan và phát sóng các buổi cưỡng bức nhận tội.Theo The Guardian, Ofcom hiện đang tiến hành ba cuộc điều tra Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) – kênh tin tức tiếng Anh của chế độ Bắc Kinh.
Cơ quan quản lý truyền thông Anh Quốc đầu tháng này cũng đã ra phán quyết lên án CGTN vì họ phát sóng về cựu nhà báo Anh Peter Humphrey bị ép nhận tội.
Đảng Lao động, đảng đối lập tại Anh, cũng đã yêu cầu lãnh đạo Ofcom xem xét về những vi phạm lặp đi lặp lại của CGTN.
Ofcom cũng đã nhận được một đơn kiện tuyên bố rằng CGTN không nên được phát sóng tại Anh vì đây là kênh truyền hình do đảng chính trị tại Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn.
Tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders đầu năm nay cũng đã gửi đơn kiện lên Ofcom yêu cầu tước giấy phép của CGTN.
Giám đốc Safeguard Defenders, ông Peter Dahlin cho hay: “Cách tốt nhất hướng tới là phải tước giấy phép của họ để dạy cho họ bài học rằng điều này là không thể chấp nhận được. Và tất nhiên sau đó, theo các quy định pháp luật, họ có thể lại nộp đơn xin giấy phép và khởi động lại tiến trình này”.
Trong các đơn kiện CGTN đã gửi tới Ofcom có trường hợp của ông Simon Cheng – cựu nhân viên Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông. Ông Chen đã tố CGTN phát sóng ông bị cưỡng bức nhận tội.
Ông Chen đã bị bắt trong chuyến công tác tới Trung Quốc vào tháng Tám năm ngoái. Ông nói mình đã bị ép phải nhận tội gạ gẫm bán dâm.
>>Video cựu nhân viên Tổng lãnh sự quán Anh ”nhận tội” bị nghi dàn dựng
Một đơn kiện khác gửi đến Ofcom là từ con gái của nhà xuất bản sách Hồng Kông, ông Gui Minhai. Ông Gui đã bị mất tích từ năm 2015 và sau đó bất ngờ xuất hiện trên truyền hình nhà nước nhận tội vi phạm pháp luật Trung Quốc. Con gái ông, cô Angela Gui nói trong đơn kiện rằng kênh CGTN đã phát sóng ông Gui Minhai bị cưỡng bức phải nhận tội. Ông Gui đã được thả, nhưng sau đó lại bị bắt lại vào năm 2018 và hiện vẫn đang bị giam giữ tại Trung Quốc.
The Guardian dẫn lời lãnh đạo Bộ Văn hóa Anh Jo Stevens cho biết: “Những thông tin chống lại CGTN đang cho thấy kênh truyền hình này vi phạm quy định và Ofcom đã nói họ sẽ hành động, động thái này có thể dẫn tới cấm kênh truyền hình này phát sóng tại Anh. Ofcom có trách nhiệm phải đảm bảo những hành động dẫn tới thu hồi giấy phép phát sóng tại Anh là hợp lý và phù hợp”.
“Thường thì các kênh truyền hình do nhà nước quản lý, chẳng hạn như Russia Today và Press TV của Iran – kênh bị cấm phát sóng tại Anh năm 2012, đã tự nhận thấy họ không thể tuân thủ quy định phát sóng tại Anh. CGTN và các kênh truyền hình do nhà nước hậu thuẫn khác có lịch sử vi phạm trắng trợn quy định của Ofcom. Mặc dù Ofcom có thể và thực sự áp đặt được các án phạt hành chính, song các án phạt như vậy ít có tính răn đe đối với các kênh này như các kênh truyền hình khác. Điều cần thiết là phải đánh giá xem liệu quy chế xử phạt hiện tại có đủ mạnh hay không”, bà Jo Stevens nói.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Anh, chẳng hạn như cựu thứ trưởng Damian Green lại cho rằng lệnh cấm CGTN phát sóng tại Anh chỉ nên là “lựa chọn sau cùng”.
Trong khi đó, nguyên đơn kiện CGTN, ông Peter Humphrey nói: “Tôi hy vọng bằng việc hủy giấy phép đó, người dân Anh Quốc sẽ không bao giờ lại buộc phải xem hình thức tuyên truyền vi phạm và các buổi ép cung như thế”.
Áp lực thúc đẩy giới chức Anh phải cấm CGTN đến vào thời điểm quan hệ Anh-Trung đang leo thang rất căng thẳng sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh Hồng Kông và Anh đáp trả bằng nhiều biện pháp như công bố chính sách mở đường cho khoảng 3 triệu người Hồng Kông được cư trú lâu dài tại Anh; cấm xuất khẩu vũ khí tới Hồng Kông; và cấm Huawei tham gia vào xây dựng mạng di động 5G tại Anh, yêu cầu các công ty viễn thông Anh phải loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei trước năm 2027.
CGTN phát sóng trên nhiều nền tảng tại Anh. Kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc này không công khai tỷ lệ người xem tại Anh, nhưng họ đã rất tích cực tuyển dụng nhiều nhà báo phương Tây, gồm cả các cựu phóng viên của kênh BBC để thu hút khán giả châu Âu.
CGTN ngày càng gia tăng sự hiện diện tại châu Âu, trong đó năm ngoái họ đã xây dựng một cơ sở sản xuất tại London.
CGTN cũng phát triển mạnh tại Mỹ. Tuy nhiên kênh truyền hình này cùng nhiều hãng tin nhà nước Trung Quốc khác mới đây đã bị chính phủ Mỹ liệt là phái bộ nước ngoài và phải chịu sự kiểm soát của Bộ Ngoại giao Mỹ như cơ quan nước ngoài. CGTN phải đăng ký nhân viên và tài sản tại Mỹ với chính quyền Mỹ.
The Guardian cho biết họ đã liên lạc với CGTN để yêu cầu bình luận về thông tin có khả năng bị cấm tại Anh, nhưng không nhận được phản hồi.