Giữa lúc căng thẳng biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ tuyên bố sẽ mời một quốc gia cũng đang leo thang căng thẳng với Bắc Kinh tham gia tập trận quân sự.
Ấn Độ lên kế hoạch mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar. Ảnh: Bloombergquint
Tờ Bloomberg hôm 10/7 đưa tin, Ấn Độ đang lên kế hoạch mời Úc, nước đang căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Hong Kong, tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar. Động thái này được cho là sẽ khiến Bắc Kinh "nóng mặt".
New Delhi dự kiến gửi lời mời chính thức tới Canberra vào tuần tới, sau khi tham vấn lần cuối với chính phủ Mỹ và Nhật Bản, 2 nước cũng được mời tham gia tập trận Malabar.
Cuộc tập trận lần này sẽ là lần đầu tiên có sự góp mặt của tất cả quốc gia trong "Bộ tứ kim cương" Quad (thành lập năm 2007 với 4 thành viên: Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ - các nước ít nhiều đều có bất đồng với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại). Quan chức cấp cao Ấn Độ (giấu tên) cho biết, Malabar sẽ quy tụ lực lượng hải quân của 4 nước tại Vịnh Bengal vào cuối năm 2020.
Derek Grossman, nhà nghiên cứu tại tập đoàn RAND có trụ sở tại Washington (Mỹ) và người làm việc trong cộng đồng tình báo Mỹ hơn một thập kỷ, cho biết: "Việc Ấn Độ mời Úc tham gia tập trận Malabar sẽ đặc biệt quan trọng tại thời điểm nhạy cảm này. Đó là một thông điệp quan trọng gửi đến Trung Quốc, rằng Quad sắp tập trận hải quân chung ngay cả khi đây không phải một sự kiện của Quad". Theo Bloomberg, Trung Quốc tỏ ra không thoải mái với liên minh 4 thành viên Quad.
Khi được báo chí hỏi về việc Ấn Độ sẽ mời Úc tham gia tập trận Malabar, phát ngôn viên hải quân Ấn Độ, Vivek Madhawal, từ chối đưa ra bình luận.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Úc hôm 10/7 cho biết, dù hiện tại vẫn chưa nhận được lời mời tham gia tập trận Malabar, "Úc nhận thấy giá trị khi được tham gia các hoạt động phòng thủ với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm tăng khả năng tương tác và nâng cao lợi ích tập thể ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Quyết định mời Úc tham gia tập trận được đưa ra khi New Delhi và Bắc Kinh đang bị cuốn vào căng thẳng biên giới tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ.
Trong khi đó, căng thẳng Trung Quốc - Úc cũng đang leo thang khi hôm 9/7, Canberra tuyên bố sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong và trao thị thực tạm thời, tạo điều kiện cho người Hong Kong được cư trú tại Úc sau khi Trung Quốc đại lục áp luật an ninh mới.
Theo các chuyên gia, động thái này của Úc có thể được các nhà hoạt động hoan nghênh nhưng nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh "nổi giận", làm gia tăng thêm căng thẳng giữa 2 nước.