Lũ lớn đã phá hủy một phần mái bằng gỗ của cây cầu Thải Hồng 800 năm tuổi ở tỉnh Giang Tây, dù trụ đá của nó vẫn nguyên vẹn.
Một phần hành lang mái đình bằng gỗ của cây cầu cổ này bị cuốn trôi một phần trong trận lũ quét hôm 8/7 tại thị trấn Thanh Hoa, huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Video do truyền thông Trung Quốc công bố cho thấy các mố cầu bằng đá vẫn đứng vững, nhưng một nhịp cầu và kiến trúc bằng gỗ bên trên bị hư hại.
Thải Hồng, mang nghĩa "cầu vồng" trong tiếng Trung, là cây cầu dài 140 mét, bề ngang hơn 3 mét, chân cầu gồm 4 trụ đá, mặt trên là kiến trúc gỗ xây theo kiểu hành lang gồm 11 tòa mái đình. Cầu Thải Hồng là di tích lịch sử quốc gia, được coi là một trong những cây cầu cổ đẹp nhất Trung Quốc và là cây cầu cổ được thiết kế khoa học nhất.
Các chuyên gia nhận định chính thiết kế khoa học đã giúp cây cầu đứng vững qua hàng trăm năm. Cầu được xây từ thời nhà Tống vào thế kỷ thứ 12, ở vị trí rộng nhất trên mặt sông, chân cầu hình bán thuyền có tác dụng giảm lực tác động của dòng nước lũ từ sông Trường Giang. Chính quyền địa phương cho hay sau khi nước rút, cầu sẽ được tu sửa lại.
Cầu Thải Hồng trước khi bị nước lũ cuốn trôi một phần. Ảnh: Baidu.
Từ đầu tháng 6 tới nay, mưa lũ đã ảnh hưởng nặng nề tới các tỉnh miền trung và miền nam Trung Quốc, khiến ít nhất 121 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế 5,9 tỷ USD. Giới chức cảnh báo miền nam Trung Quốc sẽ tiếp tục hứng chịu các trận mưa lớn đến hết ngày 13/7.
VietBF@sưu tập