Ấn Độ dùng giường bệnh bằng bìa carton. Hàng nghìn giường bệnh làm bằng bìa carton được tăng cường cho các bệnh viện dã chiến Ấn Độ trong bối cảnh số ca Covid-19 đã vượt 500.000.
Chính quyền New Delhi đang cho lắp đặt 10.000 giường làm từ bìa carton trong một bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ một cơ sở tôn giáo ở ngoại ô thành phố. Mumbai, nơi các bệnh viện quá tải vì bệnh nhân Covid-19, cũng sẽ sử dụng những giường bệnh đặc biệt này.
Vikram Dhawan, người cùng với anh trai thiết kế giường bìa carton, cho biết chúng có lớp phủ để không bị thấm nước và có thể chịu tải 300 kg. Anh em Dhawan đã nảy ra ý tưởng trong thời gian ở nhà do lệnh phong tỏa ngăn Covid-19.
Những chiếc giường carton tại một cơ sở của giáo phái Radha Soami Satsang Beas ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 26/6. Ảnh: Reuters.
"Ai cũng có thể bê giường một cách dễ dàng. Nó nhỏ gọn, nhẹ và có thể được sản xuất, lắp ráp chỉ trong vài phút", Dhawan nói tại nhà máy sản xuất sản phẩm này ở thành phố Bhiwadi, bang Rajasthan, miền bắc Ấn Độ.
"Điều quan trọng nhất là virus chỉ tồn tại trên bề mặt carton trong 24 giờ. Trên bất kỳ bề mặt nào khác như kim loại, gỗ hoặc nhựa, virus có thể tồn tại trong 3-4 ngày", ông nói. Một nghiên cứu được công bố hồi tháng ba trên tạp chí NEJM của Mỹ cho thấy nCoV có thể tồn tại đến ba ngày trên nhựa, nhưng chỉ 24 giờ trên bìa carton.
Anh em nhà Dhawan không công khai giá mỗi chiếc giường, nhưng nó được cho là có giá khoảng 10 USD. Ngay cả khi đại dịch chấm dứt, sản phẩm của họ có thể vẫn được ưa chuộng.
"Khoảng 50 - 60 công nhân của chúng tôi đã mang nó về nhà dùng và rất vui vẻ sử dụng chúng mỗi ngày", ông Dhawan nói. "Giá của nó chỉ bằng tiền mỗi lần bạn đi ăn ở nhà hàng thôi".
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, sau khi dịch khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, khiến hơn 9,9 triệu người nhiễm, gần 498.000 người chết. Ấn Độ ghi nhận hơn 511.000 ca nhiễm nCoV, trong đó gần 16.000 ca tử vong. Nước này là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, lần lượt sau Mỹ, Brazil và Nga.