Trung Quốc mở sứ quán ở một quốc đảo Thái Bình Dương giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành được xem là động thái lạ, nhưng đây còn được cho có tính toán của Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực.
Kiribati là một quốc đảo nhỏ, dân số ít, nằm ở vị trí hẻo lánh tại Thái Bình Dương (Ảnh: RNZ)
Vào tháng 5, trong khi Covid-19 vẫn đang lây lan trên khắp thế giới, một lá cờ Trung Quốc được kéo lên tại một quốc gia có dân số vỏn vẹn 116.000, nằm cách Bắc Kinh hàng nghìn km.
Việc Trung Quốc mở đại sứ quán ở Kiribati, quốc gia gồm 33 đảo san hô nằm ở Trung Thái Bình Dương, dường như rất kỳ lạ - đặc biệt giữa lúc đại dịch đang hoành hành. Trước đó, chỉ 3 quốc gia có đại sứ quán tại Kiribati là Australia, New Zealand và Cuba.
Tuy nhiên, quốc đảo nhỏ bé này được cho là nơi cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng.
Tháng 9 năm ngoái, Kiribati cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Đây được xem đã nỗ lực của Bắc Kinh trong việc lôi kéo 7 đồng minh ngoại giao của Đài Loan cắt đứt với hòn đảo kể từ năm 2016.
Kiribati cũng được xem là một trong những ví dụ cho sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương - khu vực gồm chuỗi các đảo giàu tài nguyên nằm trên tuyến đường thủy quan trọng giữa châu Á và châu Mỹ.
Trung Quốc âm thầm mở rộng ảnh hưởng
Nhiều quốc đảo tại khu vực Thái Bình Dương từ lâu có quan hệ thân thiết với Mỹ, cho phép Washington đặt hiện diện quân sự. Họ cũng có quan hệ đồng minh với Australia, nhà tài trợ và đối tác an ninh lớn nhất khu vực. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, khu vực trên đã bắt đầu có quan hệ gần gũi ở hơn với Trung Quốc nhờ sự tiếp cận ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh. Điều này đã gây ra sự cạnh tranh địa chính trị ở khu vực.
Theo thống kê của viện Lowy (Australia), Bắc Kinh là nhà tài trợ lớn thứ 2 khu vực Thái Bình Dương, chỉ sau Canberra. Trong đợt dịch Covid-19, Trung Quốc cũng được xem là đối tác quan trọng của các quốc đảo này khi Bắc Kinh cử chuyên gia tư vấn chiến lược chống dịch.
Hồi tháng 3, Trung Quốc công bố tặng 1,9 triêu USD tiền mặt và phương tiện y tế, đồ bảo hộ, bộ xét nghiệm tới các quốc gia trong khu vực để giúp họ chống Covid-19.
“Việc Trung Quốc bắt tay các quốc gia ở Thái Bình Dương được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cơ hội, khi Bắc Kinh muốn gia tăng tầm ảnh hưởng nhiều nhất có thể”, CNN dẫn lời Jonathan Pryke, chuyên gia tại viện Lowy nhận xét.
Trung Quốc đã bác bỏ nhận định trên, tuyên bố rằng sự hỗ trợ của Bắc Kinh với các quốc gia Thái Bình Dương là “chân thành” và “không có yếu tố chính trị đi kèm”.
Nhưng quan hệ tốt đẹp hơn cũng trở nên có ích khi cần thiết.
Tháng 5, khi Trung Quốc đối diện với sự chỉ trích từ nhiều quốc gia về cách ứng phó ban đầu với dịch Covid-19, Bắc Kinh đã nhận được ủng hộ từ các quốc gia Thái Bình Dương. Vài ngày trước khi Đại Hội đồng Y tế Thế giới diễn ra, Trung Quốc tổ chức cuộc họp trực tuyến gồm 10 nước Thái Bình Dương về Covid-19.
Cuộc họp kết thúc với sự ghi nhận tích cực từ các quốc gia về cách chống dịch của Trung Quốc.
“Đó là những gì mà chính phủ Trung Quốc cần”, chuyên gia Denghua Zhang từ đại học quốc gia Australia nhận định.
Trong tuyên bố chung phát đi sau sự kiện, các nước Thái Bình Dương đánh giá cao Trung Quốc vì "cách tiếp cận cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm trong việc áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời và mạnh mẽ, cũng như chia sẻ kinh nghiệm ngăn dịch".
Trong khi đó, Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc giấu dịch từ đầu, trong khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc dịch.
Phản ứng của Australia
Trung Quốc có những động thái xích lại gần các nước Thái Bình Dương, tuy nhiên, nó vẫn chưa “thấm vào đâu” so với những sự hỗ trợ từ Australia. Tháng trước, Canberra tuyên bố chi 69 triệu USD để giúp đỡ 10 quốc gia trong khu vực.
Australia gần đây công bố sẽ phát sóng các chương trình truyền hình nổi tiếng như “Người hàng xóm” và “Vua đầu bếp” sang 7 quốc gia Thái Bình Dương - động thái được xem như thúc đẩy sức mạnh mềm để đối phó với chiến lược gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trên thực tế, Australia đã chú ý tới các động thái của Trung Quốc từ lâu trước đại dịch. Sau khi nhậm chức năm 2018, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tung ra sáng kiến “Thái Bình Dương tiến lên”, bao gồm việc tăng hỗ trợ tài chính và mở một quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 1,5 tỷ USD cho khu vực.
VietBF@sưu tập