Khắp nơi đều lên án biểu tình Mỹ, chỉ riêng có truyền thông Trung Quốc lại ca ngợi. Truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin về biểu tình "Tôi không thể thở", dường như để đáp trả Mỹ ủng hộ biểu tình Hong Kong.
Người biểu tình cầm quốc kỳ Mỹ lộn ngược tại bang Minnesota tối 28/5. Ảnh: AP.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua hôm nay gọi tình hình hỗn loạn trong biểu tình đòi công lý cho George Floyd ở các thành phố Mỹ là "cảnh tượng tuyệt vời của Pelosi", ám chỉ bình luận của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi năm ngoái rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong là "cảnh đẹp đáng chiêm ngưỡng".
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV gọi những thành phố bùng phát biểu tình là "vùng chiến sự", liên tục phát bản tin cập nhật tình hình và phân tích, trong đó nhấn mạnh sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Các hình ảnh bạo lực và phát biểu của người biểu tình Mỹ cũng thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền hình và báo chí Trung Quốc.
Một chương trình bình luận vào khung giờ vàng tối 30/5 trên kênh CCTV cũng dùng cụm từ "cảnh tượng đẹp đẽ" để mô tả những cuộc biểu tình, thêm rằng "nhân quyền kiểu Mỹ là đạo đức giả và đáng khinh bỉ". Những người tham gia chương trình cho rằng các chính trị gia Mỹ cần xin lỗi người dân, thêm rằng sự hỗn loạn hiện nay là "vết thương do Mỹ tự gây ra".
Tờ People's Daily đăng video ký giả Omar Jimenez của CNN bị bắt trong khi truyền hình trực tiếp tại thành phố Minneapolis, chỉ ra sự trái ngược khi cảnh sát Hong Kong rút lui trước đám đông biểu tình hồi tháng 10 năm ngoái.
Biểu tình "Tôi không thể thở" lan khắp nước Mỹ sau vụ George Floyd, một người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, thiệt mạng khi bị cảnh sát khống chế hôm 25/5 do cáo buộc liên quan đến một vụ tiêu thụ tiền giả.
Sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy Floyd trong hơn 9 phút, dù anh này liên tục cầu xin và nói "tôi không thể thở" rồi nằm bất động. Floyd sau đó chết tại bệnh viện.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở thành phố Minneapolis do cơ quan công tố ban đầu chưa quyết định truy tố các cảnh sát liên quan, dù 4 người này đã bị sa thải. Hàng nghìn người tụ tập trên đường phố trong nhiều ngày liên tiếp, thậm chí đốt phá đồn cảnh sát nơi 4 sĩ quan làm việc.
Derek Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn sau khi ghì đầu gối lên gáy khiến George Floyd tử vong. Ba cảnh sát khác cũng bị điều tra và có khả năng sẽ bị truy tố.
Người dân nhiều thành phố Mỹ như New York, Houston, Atlanta, Los Angeles, San Francisco, Chicago, Des Moines và Las Vegas đã xuống đường biểu tình. Một thanh niên đã chết khi một kẻ lạ mặt nổ súng vào đám đông biểu tình tại thành phố Detroit, trong khi một cảnh sát liên bang cũng thiệt mạng gần nơi biểu tình ở Oakland.