Hong Kong hiện tại là "chiến trường chính" trong cuộc chiến tranh lạnh leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính phủ Trung Quốc chấp nhận điều này, nên bằng cách áp dụng luật an ninh quốc gia riêng cho Hong Kong, giới lãnh đạo Trung Quốc đã xác định rõ, việc dẹp bỏ bất đồng chính kiến trong lãnh thổ quan trọng hơn duy trì vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Hong Kong được xem là "chiến trường" của chiến tranh lạnh Mỹ - Trung. Ảnh minh họa: Flickr
Tuy nhiên, tờ Financial Times (FT), hôm 28/5 nhận định, mục tiêu đó của Trung Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng sau khi chính quyền Tổng thống Trump hôm 27/5 tuyên bố không còn coi Hong Kong là khu vực tự trị so với Trung Quốc đại lục.
Điều này mở đường cho nhiều biện pháp trừng phạt có thể nhắm tới các cá nhân, doanh nghiệp và loại bỏ một loạt đặc quyền thương mại cũng như đầu tư đặc biệt ở Hong Kong.
Nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn hy vọng có thể giữ bình tĩnh và tiếp tục hưởng lợi từ vị trí đặc biệt của Hong Kong. Nhưng họ đã nhầm.
Hong Kong hiện tại là "chiến trường chính" trong cuộc chiến tranh lạnh leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính phủ Trung Quốc chấp nhận điều này, thể hiện ở quyết định của Bắc Kinh khi bỏ qua những tổn hại về vị thế toàn cầu và coi nhẹ nghĩa vụ của tuyên bố chung Trung Quốc - Anh về Hong Kong.
Với Trung Quốc, luật an ninh mới với Hong Kong mang đến những rủi ro tài chính và kinh tế đáng kể. Hong Kong là huyết mạch tài chính của Trung Quốc, hoạt động như một nguồn vốn nước ngoài quan trọng nhất kể từ khi Trung Quốc được thành lập.
Ngày nay, chức năng tài chính của Hong Kong với Trung Quốc càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì các công ty Trung Quốc đang trên bờ vực bị trục xuất khỏi thị trường Mỹ.
Vì vậy, việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng luật an ninh quốc gia ở Hong Kong sẽ "đốt cháy cây cầu" với thế giới và gây thêm áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc, đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất từ những năm 90, theo The Diplomat.
Với phương Tây, luật an ninh mới như một hồi chuông báo tử cho sự hiện diện của họ ở Hong Kong. Các doanh nghiệp phương Tây sẽ mất đi trung tâm kinh tế định hướng phương Tây duy nhất trong lãnh thổ Trung Quốc và lợi ích kinh doanh của họ không còn được bảo vệ tốt bởi pháp luật cơ bản kiểu Anh.
Lợi ích doanh nghiệp Mỹ tại Hong Kong - bao gồm 1.300 doanh nghiệp và 82,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp - bị đặt trong rủi ro lớn bởi sự can thiệp của Trung Quốc. Ngoài kinh tế, sự hiện diện của phương Tây tại Hong Kong dưới hình thức các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs), các ngành truyền thông và hoạt động tình báo cũng có nguy cơ bị Trung Quốc xóa bỏ. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có thể mãi mãi mất chỗ đứng trước cánh cửa Trung Quốc.
Luật an ninh Hong Kong, có thể có hiệu lực chỉ sau vài tháng, nhằm mục đích "ngăn chặn và trừng phạt bất kỳ hành vi nào" có mục đích ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc can thiệp của nước ngoài vào Hong Kong.
Thực tế, Hong Kong sẽ thông qua một đạo luật vào tuần tới nhằm hình sự hóa hành vi thiếu tôn trọng đối với quốc ca Trung Quốc. Người vi phạm có thể bị ngồi tù tới 3 năm.
Các quan chức Hong Kong và nhiều doanh nghiệp từ lâu đã tuyên bố lợi thế độc nhất của Hong Kong nằm ở hệ thống luật pháp và tư pháp độc lập - khác biệt với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, luật an ninh mới cho Hong Kong dường như là để xóa bỏ lợi thế độc nhất đó.
Theo FT, nhiều người nhận thấy Luật Cơ bản Hong Kong - được thông qua tháng 4/1990 và xem như Hiến pháp của Hong Kong, gồm 9 chương 160 điều và 3 phụ lục, quy định chế độ mà Hong Kong áp dụng, bảo đảm chính sách và phương châm cơ bản về Hong Kong được thực thi - và sự phân chia quyền lực tồn tại ở Hong Kong có thể cản trở mong muốn quản lý của Bắc Kinh.
"Cho phép luật cơ bản tiếp tục tồn tại ở Hong Kong cũng giống như yêu cầu các nhà sư nước ngoài đọc kinh thánh địa phương", một quan chức Trung Quốc ví von.