Ổ dịch trên tàu Theodore Roosevelt có thể bắt nguồn từ phi đoàn? Đó là sự nghi ngờ của giới chức hải quân Mỹ. Họ cho rằng những chuyến bay đến và rời khỏi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt có thể là nguyên nhân dẫn đến bùng phát lây nhiễm virus corona.
Theo Wall Street Journal, giới chức quân sự Mỹ ngày càng có thêm cơ sở để nghi ngờ bùng phát lây nhiễm virus corona trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bắt nguồn từ hoạt động của máy bay trên tàu, chứ không phải chuyến thăm cảng vào đầu tháng 3.
Thời điểm xuất hiện những ca bệnh đầu tiên trên USS Theodore Roosevelt cho thấy khả năng cao nguồn lây nhiễm là những chuyến bay của phi đoàn trên tàu sân bay, theo một số quan chức Mỹ. Trong thời gian sau khi rời Việt Nam, tàu sân bay có thực hiện nhiều chuyến không vận hàng hóa từ một số quốc gia.
Những ca bệnh Covid-19 đầu tiên trên tàu cũng là nhân sự thuộc phi đoàn.
Thủy thủ đoàn trên tàu USS Theodore Roosevelt được kiểm tra thân nhiệt sau khi tàu đến Guam để tiến hành cách ly. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Trong số hơn 5.000 nhân sự của tàu sân bay, không có trường hợp nào xuất hiện triệu chứng trước các ngày 24-25/3. Với thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19, khoảng thời gian hơn 2 tuần kể từ khi rời cảng Đà Nẵng (ngày 9/3) đến khi xuất hiện các ca nhiễm đầu tiên đủ để kết luận chuyến thăm không phải là nguồn lây nhiễm, theo tiết lộ của các quan chức Mỹ.
Những người tham gia tổ chức chuyến thăm cảng tại Việt Nam cũng đánh giá giới chức Việt Nam làm việc tận tâm trong ứng phó Covid-19. Nhân sự phía Việt Nam thường xuyên tiến hành kiểm tra nhiệt độ và cập nhật thông tin lây nhiễm dịch bệnh.
Tại khách sạn ở điểm đến của 30 thủy thủ có 2 người Anh dương tính với virus corona. Do đó, tàu Roosevelt đã ra lệnh cho các thủy thủ quay lại tàu vì sợ họ bị phơi nhiễm. Những người quay lại tàu ngay lập tức bị cách ly. Xét nghiệm của các thủy thủ này trước khi lên tàu đều cho kết quả âm tính, theo Wall Street Journal.
Tàu hộ tống USS Bunker Hill cũng cập cảng ở Việt Nam và có nhân sự lên đất liền. Tuy nhiên, không có thủy thủ nào trên tàu chiến này nhiễm virus, theo thông báo ngày 14/4 của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley.
Đến nay, hơn 600 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã xét nghiệm dương tính với virus corora, trong đó một thủy thủ 41 tuổi tử vong. Có 5 trường hợp khác phải nhập viện và một quân nhân được đưa vào đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) tại Bệnh viện Hải quân ở đảo Guam.
VietBF@ sưu tầm.