Thủ tướng Italy đã lên tiếng bác bỏ đề xuất nới lỏng lệnh phong tỏa. Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 8/4 cho rằng Italy phải kiên trì với lệnh phong tỏa khắt khe để cố gắng kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó bác bỏ những lời kêu gọi của các doanh nghiệp được mở lại công ty.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Turin, Italy ngày 7/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tờ Bild của Đức dẫn đoạn băng ghi âm phát biểu của Thủ tướng Conte nêu rõ: "Các nhà khoa học yêu cầu chúng tôi hoàn toàn không được nới lỏng các biện pháp hạn chế". Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng nếu người dân Italy tôn trọng lệnh phong tỏa của chính phủ thì số người mới mắc COVID-19 cũng như con số tử vong sẽ giảm, tuy vậy Thủ tướng vẫn nhấn mạnh phải tiếp tục áp đặt biện pháp khắt khe này.
Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 8/4 công bố nước này ghi nhận thêm 3.836 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 139.422 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong đã tăng lên 17.669 trường hợp (tăng 542 ca) và số ca hồi phục là 26.491 ca (tăng 2.099 ca).
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Italy hiện có tổng số 28.485 ca nhập viện với các triệu chứng, 3.693 ca phải điều trị tích cực, và 63.084 trường hợp cách ly tại nhà. Theo đó, nước này tiếp tục ghi nhận số ca điều trị tích cực giảm 99 trường hợp so với ngày 7/4.
Trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong báo cáo mới nhất, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Eurozone sẽ giảm 9% trong năm 2020 và sẽ tăng 7,8% trong năm 2021. Trong đó, GDP của Italy hứng chịu sự suy giảm mạnh nhất 11,6% và sẽ tăng trở lại vào năm 2021 ở mức 7,9%.
Goldman Sachs cũng khẳng định sự không chắc chắn về các dự báo mới đưa ra, khi mà dự báo chủ yếu dựa trên 3 thông số chính: thời điểm đỉnh dịch, thời gian áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh và tốc độ phục hồi sau đó. Goldman Sachs ước tính trong kịch bản xấu nhất GDP của Eurozone sẽ sụt giảm đến 16%. Trong khi đó, các nhà phân tích dự báo GPD của Pháp sẽ giảm 7,4% trong năm 2020 và tăng trở lại 6,4% trong năm 2021; Đức với ước tính tương ứng giảm 8,9% và tăng 8,5%; Tây Ban Nha giảm 9,7% và tăng 8,5%.