Nhiều người dân vẫn chui qua hàng rào để đi tắm biển, mặc dù lối vào các bãi biển ở thành phố Sydney của Úc đã được rào chắn để hạn chế nhiều người dân tụ tập giữa dịch virus Covid-19 đang lây lan.
Một người đàn ông nhảy qua hàng rào để đối đầu với người đang chụp ảnh mình. Ảnh: SYDNEY MORNING HERALD
Theo Sydney Morning Herald, một hàng rào được dựng lên theo chiều dài của bãi biển Bronte ở thành phố Sydney là không đủ để ngăn cản người dân, khi một số người được phát hiện trèo qua hàng rào này để xuống tắm biển trong ngày 26-3.
Covid-19 ở đâu đó ngoài Úc?
Hàng rào được dựng lên xung quanh các bãi biển ở thành phố, sau khi một bức ảnh được chụp ở bãi biển Bondi đông nghẹ người cuối tuần trước cho thấy nhiều người dân không thực hiện nghiêm túc yêu cầu giữ khoảng cách xã hội. Sau đó, nhà chức trách tạm thời đóng cửa các bãi biển Bondi, Bronte và Tamarama. Ấy thế mà nhiều người vẫn chui qua những hàng rào này để xuống tắm biển, bất chấp những nguy cơ về sức khoẻ.
Người dân chui qua hàng rào ở bãi biển Bronte để xuống tắm biển bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương. Ảnh: SYDNEY MORNING HERALD
Một phóng viên ảnh ở Sydney cho biết anh đã gặp một người đàn ông rất giận dữ khi bị chụp ảnh nhảy qua hàng rào để xuống biển tắm. Một số người cho rằng chính phủ đang phản ứng thái quá, nghĩ đây là bãi biển của anh ta và vấn đề thì đang ở đâu đó khác, như ở Đông Nam Á. Nhiều khu vực và không gian công cộng bị đóng cửa với nỗ lực giảm số ca nhiễm Covid-19 ở Úc, bao gồm các phòng tập thể dục, bể bơi và hầu hết các hoạt động thể thao.
Cảnh sát bang New South Wales được phép xử phạt những người vi phạm lệnh cấm tụ tập xã hội, với mức phạt có thể lên đến 1.000 AUD (khoảng 590 USD) cho cá nhân và 5.000 AUD cho tổ chức. Úc ghi nhận 2.486 ca nhiễm và 11 trường hợp tử vong cho đến ngày 26-3, theo số liệu của trường ĐH Johns Hopkins.
Dân New Zealand ngồi tù nếu vi phạm
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước trong 1 tháng có hiệu lực từ đêm 25-3 nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan. Những ai làm trái sẽ đối mặt với án phạt nặng, thậm chí phải ngồi tù.
Mọi dịch vụ không thiết yếu, quán bar, nhà hàng, quán cà phê, phòng tập thể hình, rạp chiếu phim, bể bơi, bảo tàng, thư viện, sân chơi và nhiều địa điểm công cộng khác cùng trường học, văn phòng sẽ đóng cửa trong một tháng, từ 11 giờ ngày 25-3 (giờ GMT).
Đường cao tốc, nhà ga và đường phố ở trung tâm TP Auckland và Wellington im lặng vào sáng 26-3, trong khi các tòa nhà văn phòng và khu mua sắm đóng cửa. Tuy nhiên, các dịch vụ ngân hàng luôn sẵn sàng phục vụ người dân. Siêu thị, bệnh viện, nhà thuốc vẫn duy trì hoạt động. Chính phủ cho phép những người trong các dịch vụ thiết yếu tiếp tục đi làm.
Đường phố New Zealand vắng người sau khi lệnh phong tỏa được thực thi. Ảnh: RNZ
Cảnh sát trưởng New Zealand Mike Bush nói rằng vẫn còn một số người không tuân thủ và họ có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Ông Mike Bush nói với đài truyền hình nhà nước TVNZ: "Có một số người phớt lờ lệnh phong tỏa, lái xe đi loanh quanh, bao biện rằng họ không biết gì về lệnh này. Đối với những người đó, nếu tái phạm sẽ nhận lãnh trừng phạt nặng".
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định các biện pháp hạn chế sẽ được nghiêm túc thực thi. Thủ tướng cho biết mọi người có thể đi dạo, chạy đi đâu đó gần nhà hoặc lái xe đến cửa hàng tạp hóa, nhưng mọi người đều phải giữ khoảng cách 2m, tương tự như các biện pháp được áp dụng ở nhiều quốc gia khác. "Phá luật có thể giết chết một người gần gũi với bạn" – bà Jacinda Ardern cảnh báo.
Bến phà Devonport, Auckland. Ảnh: RNZ
Ga tàu vắng người ở Auckland. Ảnh: RNZ
Thủ tướng Ardern dự báo số ca bệnh sẽ tăng trong tuần tới. Trong vòng 24 giờ, New Zealand ghi nhận thêm 78 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số người bệnh tại nước này lên 283 ca. Nước này chưa có người tử vong do Covid-19. Hiện tại, số ca bệnh Covid-19 tại New Zealand thấp hơn so với con số này của nhiều nước khác trên thế giới. Dù vậy, chính phủ của bà Ardern vẫn muốn đẩy nhanh công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm.
Quốc gia có năm triệu dân này là một trong những nước đầu tiên yêu tầu tất cả những người nhập cảnh phải tự cách ly cũng như cấm các cuộc tụ tập đông người cả ở trong nhà và ngoài trời.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử New Zealand ban bố tình trạng khẩn cấp. Lần đầu tiên New Zealand có động thái tương tự là vào ngày 23-2-2011, sau khi một trận động đất mạnh 6,3 độ xảy ra tại đảo Nam của TP Christchurch, khiến gần 200 người thiệt mạng.