Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp an táng thân thiện với môi trường, trong đó có ủ phân từ hài cốt người.
Ngày càng nhiều người xem xét việc phân hủy hài cốt thành phân bón sau khi chết, Guardian cho biết.
Bang Washington gần đây đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ hợp pháp hóa việc làm phân bón từ hài cốt người. Trong khi đó, giám đốc các dịch vụ tang lễ tại Anh cho biết yêu cầu chôn cất thân thiện với môi trường đang ngày càng gia tăng.
Giáo sư Lynne Carpenter-Boggs, người đóng vai trò cố vấn khoa học cho công ty Recompose, đã trình bày dữ liệu từ một dự án thí điểm trong đó 6 thi thể được ủ thành phân để kiểm tra sự an toàn và hiệu quả của phương pháp này tại một hội thảo của Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Mỹ ngày 16/2. Recompose là một công ty ở Seattle có dự định mở cơ sở sản phân hủy thi thể người đầu tiên trên thế giới vào năm tới.
Phản ứng khử hữu cơ tự nhiên biến 1 xác người thành 2 xe phân bón trong 4-6 tuần. Ảnh: Guardian.
Quá trình này được gọi là phản ứng khử hữu cơ tự nhiên. Quá trình sẽ biến một thi thể thành phân bón trong bốn đến sáu tuần. Thi thể được đặt trong một thùng thép hình lục giác có thể tái sử dụng cùng với dăm gỗ, cỏ linh lăng và rơm. Bằng cách kiểm soát cẩn thận độ ẩm và tỷ lệ CO, nitơ và oxy, hệ thống này tạo ra điều kiện hoàn hảo cho một loại vi khuẩn ưa nhiệt làm tăng đáng kể tốc độ phân hủy thông thường.
Dự án thí điểm cũng cho thấy rằng tất cả mọi thứ, bao gồm xương và răng, đều được chuyển đổi thành phân hữu cơ (các vật liệu phi hữu cơ như máy tạo nhịp tim và hông nhân tạo được sàng lọc và tái chế). Lượng phân bón này có chứa vi khuẩn coliform ở mức độ thấp, điều này có nghĩa là họ hàng có thể rải phần còn lại của người thân như tro, hoặc sử dụng chúng để trồng một bụi hoa hồng hoặc bón phân cho một luống rau.
Quá trình này chỉ sử dụng một phần tám năng lượng của phương pháp hỏa táng. Theo bà Carpenter-Bogg, mỗi người được hỏa táng ở Mỹ tạo ra lượng CO2 nhiều như đốt 800.000 thùng dầu, tương đương một chuyến bay từ London tới Rome.
VietBF © sưu tầm