Giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã thừa nhận nước này “yếu kém” trong việc đối phó với dịch bệnh virus Corona, sau khi đưa ra lời thừa nhận được tại cuộc họp của Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc, do Chủ Tịch Tập Cận Bình chủ trì hôm Thứ Hai, 3 Tháng Hai.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng, Hoa Kỳ đã "gieo rắc nỗi sợ hãi" thay vì đưa ra lời đề nghị giúp đỡ Trung Quốc ứng phó với dịch
Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, cơ quan quyền lực nhất nước này, thừa nhận "thiếu sót và yếu kém" trong phản ứng trước sự bùng phát virus corona.
Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc nhìn nhận, hệ thống quản lý tình trạng khẩn cấp quốc gia cần phải được cải thiện.
Đến cuối ngày 3/2, Trung Quốc xác nhận đã có hơn 20.000 trường hợp nhiễm bệnh, với 425 ca tử vong (hiện đã lên đến 427 tính đến sáng ngày 4/2) - tăng hơn 3.000 trường hợp chỉ trong có một ngày.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ riêng ngày 3/2 không thôi, đã có 64 trường hợp mới tử vong tại nước này.
Bộ Chính trị nói gì?
Thông tấn xã nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã loan tin về cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng CS Trung Quốc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bản tin loan rằng, bài học rút ra là một "thách thức lớn" với hệ thống quản trị của Trung Quốc.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt một phụ nữ tại Bệnh viện Công chúa Margaret ở Hong Kong
"Để khắc phục những thiếu sót và hạn chế này, chúng ta phải cải thiện hệ thống quản lý khẩn cấp quốc gia và khả năng xử lý các nhiệm vụ khẩn cấp", bản tin viết.
Tăng cường giám sát thị trường, cấm các hoạt động mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã là một trong những vấn đề được đề cập.
Thông tin nói rằng, một chợ mua bán hải sản và động vật hoang dã ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, là nguồn bùng phát của chủng virus mới này. Hôm thứ Hai, một nghiên cứu của một nhà virus học Trung Quốc cho biết rằng, có khả năng dơi là nguồn lây lan virus.
Vũ Hán vẫn là "ưu tiên hàng đầu" trong công tác phòng chống dịch và sẽ có thêm nhân viên y tế sẽ được gửi tới.
Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, các quan chức phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh và những ai lơ là nhiệm vụ này sẽ chịu hình thức kỷ luật thích đáng.
Hiện có thông tin rằng, hai quan chức ở thị trấn Huajiahe, ở thành phố Hoàng Cương, đã bị cách chức vì tắc trách, dẫn đến cái chết của một cậu bé khuyết tật.
Cậu bé bị bại não nhưng cha cậu - thân nhân duy nhất có thể chăm sóc cho cậu bé - bị cách ly vì nghi ngờ nhiễm virus corona. Cậu được giao cho người thân, các cán bộ và bác sĩ trong thôn chăm sóc nhưng qua đời sau đó.
Điều gì đang diễn ra?
Với 64 trường hợp tử vong, ngày 3/2 đánh dấu kỷ lục về số trường hợp tử vong chỉ trong một ngày, so với kỷ lục trước đó là 57 trường hợp vào hôm 2/2.
Vũ Hán đã cấp tốc xây dựng hai bệnh viện dã chiến, dù chưa được đưa vào hoạt động đầy đủ.
Những tỉnh ở Trung Quốc có dân số hơn 300 triệu người đã được lệnh bắt buộc phải đeo mặt nạ ở nơi công cộng.
Trung Quốc hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt về các thiết bị phòng chống dịch.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 3/2, nói rằng: "Những gì cấp thiết nhất mà Trung Quốc cần hiện nay là mặt nạ y tế, áo và kính bảo hộ."
Một số thành phố, gồm cả Thượng Hải, đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi nhiều trường học vẫn đóng cửa.
Hong Kong đã đình chỉ 10 trong số 13 cửa khẩu biên giới với Trung Quốc đại lục.
Tỉ lệ tử vong do virus corona chủng mới là khoảng 2,1%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 9,6% của dịch SARS.
Các nước khác phản ứng thế nào?
Bộ trưởng y tế của nhóm các quốc gia G7 - gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp và Ý - đã tổ chức hội nghị vào ngày 3/2.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, nước này đã đồng ý phối hợp với Trung Quốc và WHO khi đưa ra các quy định về đi lại, tăng cường nghiên cứu về cơ chế lây truyền và cách điều trị.
Nhiều quốc gia đã sơ tán công dân ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại Trung Quốc. Những người này sẽ được kiểm tra sức khỏe khi về nước.
Hoa Kỳ đã yêu cầu sơ tán thành viên gia đình các nhân viên Hoa Kỳ dưới 21 tuổi và công dân Hoa Kỳ hiện ở tỉnh Hồ Bắc. Những người này sẽ phải cách ly trong 14 ngày.
Bà Hoa Xuân Ánh cho rằng, các biện pháp của Hoa Kỳ là "quá mức" và trái với khuyến nghị của WHO, cáo buộc Hoa Kỳ "gieo rắc nỗi sợ hãi".
WHO đã cảnh báo rằng, việc đóng cửa biên giới thậm chí có thể khiến virus lây lan nhanh hơn, nếu người dân lén lút xâm nhập vào quốc gia khác.
Hơn 20 quốc gia đã xác nhận có trường hợp nhiễm cirus corona.
Thông tin mới nhất về các quy định hạn chế đi lại ở các quốc gia:
• Từ chối nhập cảnh với tất cả du khách nước ngoài gần đây đã đến Trung Quốc: Mỹ, Úc, Singapore
• Từ chối nhập cảnh với người nước ngoài đến từ Trung Quốc đại lục: New Zealand, Israel (Nga cũng sẽ áp dụng những hạn chế này, nhưng không áp dụng tại sân bay quốc tế chính của Moskva là Sheremetyevo)
• Từ chối nhập cảnh với người nước ngoài đã đến tỉnh Hồ Bắc: Nhật Bản, Hàn Quốc
• Đình chỉ tạm thời tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục: Ai Cập, Phần Lan, Indonesia, Anh, Ý
• Đóng cửa biên giới với Trung Quốc: Mông Cổ, Nga (một phần)
• Tổ chức đại diện cho các nhà khai thác tàu du lịch lớn nhất thế giới, Hiệp hội Quốc tế Cruise Lines, đã thông báo vào hôm 3/2 rằng, hành khách và thủy thủ đoàn gần đây đã đến Trung Quốc sẽ không được lên tàu
Tỉ lệ tử vong của virus này?
Một số chuyên gia cho rằng, có thể có hơn 75.000 người đã bị nhiễm bệnh ở Vũ Hán.
Đại học Hong Kong ước tính rằng, con số các trường hợp nhiễm bệnh có thể cao hơn nhiều so với số liệu được công bố chính thức.
Bài công bố trên Tạp chí Lancet nghiên cứu giai đoạn đầu của sự bùng phát dịch cho thấy, hầu hết các trường hợp tử vong đều mang sẵn bệnh trong người.
Hầu hết những người bị nhiễm có khả năng phục hồi hoàn toàn, giống như với bệnh cúm thông thường.