Hiện nay cuộc chiến nội bộ lãnh đạo của ĐCSTQ ngày càng trở nên khốc liệt. Những thông tin về nguy cơ quyền lực của ông Tập Cận Bình đang sôi động trên truyền thông nươc này.
Trong khi ĐCSTQ phải lao đao đối mặt với những khó khăn bên trong lẫn bên ngoài, nhiều phe phái trong ĐCSTQ nổ ra cuộc chiến khốc liệt về việc liệu ông Tập Cận Bình có thể tái đắc cử hay không. Ông trở thành trung tâm của cả phái công kích và bảo vệ, tất cả các loại tin tức bất lợi của ĐCSTQ đều được đẩy sang ông Tập. Ông sẽ đối mặt với những khó khăn này như thế nào?
Ngày 20/12, sau khi ông Tập Cận Bình chủ trì lễ nhậm chức của chính phủ mới Ma Cao, khi rời đi, ông đã cố ý dừng chân và quay lại, bắt tay với Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Trong hơn nửa năm xảy ra phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ Hồng Kông, ông Tập Cận Bình và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã bắt tay ít nhất bốn lần. Ba lần bắt tay trước là vào ngày 19/12, ngày 16/12 và ngày 4/11.
Tại 3 lần bắt tay gặp mặt trên, ông Tập Cận Bình đều thể hiện sự ủng hộ của ông đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và hai lần đích danh nói rõ ủng hộ cảnh sát Hồng Kông. Những hành động này đã khiến ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình bị người dân Hồng Kông và thế giới chỉ trích.
Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu dân ý Hồng Kông công bố ngày 20/12, mức kỳ vọng của người dân đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trung bình chỉ đạt 19,6 điểm và 56% người dân Hồng Kông cho bà điểm 0. Báo cáo của Viện ngày 6/12 cho thấy mức độ kỳ vọng của người dân đối với cảnh sát Hồng Kông chỉ là 35,3 điểm và 40% người dân Hồng Kông cho 0 điểm.
Hiện tại, ĐCSTQ đang ở thế bị động chưa từng có trên các lĩnh vực như kinh tế trong nước, ngoại giao quốc tế và quan hệ Mỹ - Trung. Các nước trên thế giới cũng ngày càng phản cảm với ĐCSTQ.
Truyền thông nước ngoài tiết lộ các bí mật phía sau thúc đẩy luật dẫn độ
Điều khiến ông Tập Cận Bình trở nên thụ động hơn là các quan chức của ĐCSTQ đã tiết lộ với truyền thông rằng người thực sự thúc đẩy sửa đổi Dự luật Dẫn độ của Hồng Kông là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của ĐCSTQ chứ không phải Chính phủ Hồng Kông.
Ngày 20/12, hãng thông tấn Reuters dẫn lời hai quan chức Trung Quốc nói rằng năm 2017 Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương yêu cầu các quan chức Trung Quốc phụ trách vấn đề Hồng Kông cần đẩy gấp dự luật dẫn độ. Ủy ban hy vọng rằng sẽ có thể sử dụng phương pháp không mang tính phá hoại chính trị như thế để hợp thức hóa việc bắt ‘tội phạm bỏ trốn’ tại Hồng Kông.
Tháng 1/2017, nhà tài phiệt Trung Quốc Tiêu Kiến Hoa bị ĐCSTQ bắt tại Hồng Kông đưa về Trung Quốc điều tra tội thao túng cổ phiếu và hối lộ. Sự việc khiến dư luận xôn xao, dấy lên lo ngại ở Hồng Kông rằng các đặc vụ của Trung Quốc đại lục đã vi phạm luật khi vượt qua biên giới thực thi pháp luật. Trước đó, đã xảy ra vụ việc ĐCSTQ bắt cóc nhân viên nhà sách ở Vịnh Causeway.
Báo cáo của Reuters trực tiếp chỉ đích danh Thư ký đương nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Triệu Lạc Tế đứng sau thao túng sự việc. Nhưng, ông Tập Cận Bình là "nòng cốt" trong ĐCSTQ, Triệu Lạc Tế chỉ là trợ thủ của ông Tập trong đảng, nên nhiều nhà phân tích tin rằng thực sự báo cáo chĩa vào ông Tập Cận Bình
Trận chiến ác liệt giữa phe chống ông Tập và ủng hộ
Ở nước ngoài, cuộc chiến khốc liệt giữa các dư luận tích cực và tiêu cực về ông Tập Cận Bình được thể hiện rõ ràng.
Truyền thông tiếng Trung thân ĐCSTQ ở nước ngoài World Daily trích dẫn thông tin nội bộ ĐCSTQ ngày 15/12 "nhiệm kỳ của ông Tập có thể không vượt quá hai khóa theo như quy định ĐCSTQ", các quan chức cấp cao của ĐCSTQ và bản thân ông Tập Cận Bình đã tiến hành chọn người kế nhiệm cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Theo bài báo, do chính quyền ĐCSTQ đang phải đối mặt với các khó khăn dồn dập bên trong lẫn bên ngoài, những tư tưởng và đường lối cầm quyền của ông Tập Cận Bình "đã gây ra nhiều phản ứng và nghi ngờ, và uy vọng của ông Tập trong đảng liên tiếp giảm sút".
Nhà bình luận chính trị Lý Lâm Nhất chia sẻ với thời báo Epoch Times rằng đây rõ ràng là thông tin các phe phái khác trong ĐCSTQ tung ra. Ông Tập Cận Bình mới sửa đổi hiến pháp năm 2018, xóa bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ chủ tịch nước của ĐCSTQ. Nếu ông không muốn kéo dài vị trí chức vụ của mình, tại sao ông phải nỗ lực sửa đổi hiến pháp và gây ra nhiều chấn động như vậy. "Vì vậy, tin tức của giới truyền thông thân ĐCSTQ đưa ra cho thấy có những người trong ĐCSTQ đang bất mãn với ông, cố tình tung tin ở nước ngoài".
Đồng thời, ở nước ngoài cũng có dư luận ủng hộ ông Tập.
Cựu chủ tịch Học viện Báo chí và Quân sự của ĐCSTQ và thân với ông Tập, Đại tá Tân Tử Lăng gần đây đã đăng một bài viết trên truyền thông Hồng Kông, ủng hộ ông Tập Cận Bình.
Ông Tân Tử Lăng tin rằng ngày nay, ngay cả một quan chức cũng không thể công khai tài sản và ông Tập Cận Bình đã "tuyệt vọng với cái đảng này". Theo quy tắc thiểu số tuân theo đa số, thì không thể giải quyết được vấn đề của họ và còn có khả năng bị họ ‘giải quyết’ bất cứ lúc nào.
Ông Tân Tử Lăng cũng đề cập rằng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền trong bảy năm, sau khi nhận ra rằng Đảng Cộng sản đã trở thành một "Đảng tham ô", không thể dựa vào các quan chức ĐCSTQ để cứu vãn số phận sụp đổ của ĐCSTQ nữa. Trong nhiệm kỳ ba năm còn lại, ông Tập Cận Bình sẽ phá bỏ những ràng buộc của "Đảng tham ô", vứt bỏ gánh nặng lịch sử của ĐCSTQ, xây dựng lại đảng và trùng tổ đội ngũ cán bộ…
Nhưng tuyên bố của ông Tân Tử Lăng khó nhận được sự đồng tình của giới quan sát.
Đồng thời, một "quyết định" được thông qua tại Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ban chấp hành trung ương 19 của ĐCSTQ từ ngày 28 - 31/10, yêu cầu "tuân thủ và hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc" và thiết lập cơ bản thực hiện "hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị" vào năm 2035.
Giới quan sát tin rằng tất cả nói rõ lên suy nghĩ của ông Tập Cận Bình: đó là, ít nhất cho đến năm 2035, hệ thống chính trị của ĐCSTQ sẽ không thay đổi nhiều.
Dân mất hết niềm tin, dư luận trong ngoài nước đều hướng vào ông Tập Cận Bình
Ngày 19/12, tài khoản wechat "Nghiên cứu cải cách Trung Quốc" và các tổ chức đại lục khác đã đăng lại bài báo "Những năm tháng nhiệt tình của Ôn Gia Bảo", và đề cập đến quá trình cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình bãi bỏ "hệ thống chức vụ lãnh đạo cán bộ trọn đời".
Bài báo đề cập rằng sau khi Đặng Tiểu Bình và Trần Vân tái tổ chức công tác của Trung ương, tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ủy ban Trung ương lần thứ 11 của ĐCSTQ đã thông qua vào ngày 29 tháng 2 năm 1980, chính thức đề xuất bãi bỏ "chế độ cán bộ lãnh đạo cả đời". Hơn nữa, yêu cầu này còn được viết vào Hiến pháp ĐCSTQ. Đồng thời, họ liên tục nhấn mạnh nhiều lần "tăng cường đề bạt và bồi dưỡng cán bộ trẻ".
Trong thời kỳ nhạy cảm này, những bài viết như thế này có nội dung ám chỉ việc ông Tập Cận Bình sửa hiến pháp, lại không bị ĐCSTQ xóa đi.
Đồng thời, các học giả thân ĐCSTQ ở nước ngoài cũng bình luận công khai và chỉ trích căn bệnh tập trung quá mức vào việc ra quyết sách của chính quyền ĐCSTQ.
Ngày 16/12, Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, một học giả thân ĐCSTQ người Singapore, là giám đốc của Viện nghiên cứu Đông Á của Đại học Quốc gia, trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Hồng Kông, đã đề cập đến hệ thống quản trị chính trị của ĐCSTQ. Vấn đề lớn nhất là "quyền quyết sách quá tập trung ở chính quyền trung ương", sẽ có lúc dẫn đến việc không thể đưa ra quyết sách khoa học.
Ông nói rằng nhấn mạnh quá mức vào "quyền tập trung của trung ương" và "cấp cao nhất đưa ra kế hoạch", chính quyền địa phương không thể xây dựng các chính sách phù hợp với tình huống thực tế của địa phương mình, và quyền của các quan chức địa phương bị thu hẹp.
Khi truyền thông chính thức của ĐCSTQ China News Network đưa tin trên, họ đã xóa phần nội dung trên, chỉ để nội dung ông Trịnh Vĩnh Niên đề cập rằng hệ thống của Trung Quốc cho thấy "những đặc điểm khác nhau" trong các thời kỳ khác nhau.
Chuyên gia: ông Tập đối mặt với nhiều thách thức hơn vào năm 2020
Chuyên gia kinh tế và chính trị nổi tiếng của Trung Quốc và là giáo sư tại Đại học McKenna ở California, ông Bùi Mẫn Hân đã có bài viết ngày 17/12 liệt kê hàng loạt các vấn đề của ĐCSTQ gặp phải thất bại như cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, Phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ Hồng Kông, giam giữ quy mô lớn người các dân tộc thiểu số, Đài Loan…
Ông chỉ ra lý do của những thất bại này là: "Khi ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực chính trị vào tay mình, quá trình ra quyết định sẽ phát sinh biến đổi. Những người muốn tác động đến chính sách tìm mọi cách chọn những thông tin phù hợp với khẩu vị của ông Tập Cận Bình. Tương tự, các đồng sự trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, lại sợ bị coi là không trung thành và không muốn nói thẳng các thông tin có thể mâu thuẫn với quan điểm của ông. Họ biết rằng việc đề xuất phương án thay thế có thể được xem là thách thức trực tiếp đối với uy quyền của ông Tập Cận Bình".
Theo ông Mẫn Hân kết luận, do cơ chế ra quyết định độc đoán độc hành không thể thay đổi, ông Tập sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong những tháng tới. Năm 2020 có thể là năm tồi tệ nhất đối với ông.
Nhà bình luận về vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất nói trong nội bộ ĐCSTQ, phái cải cách đã mất niềm tin vào cái gọi là cải cách của ông Tập Cận Bình, trong khi nhóm tham nhũng do Giang Trạch Dân cầm đầu như hổ đói nhìn chằm chằm vào ông, hy vọng rằng ông sẽ sớm hạ đài, cũng căn bản không còn tín nhiệm ông.
Nhà bình luận Lý Lâm Nhất tin rằng hiện nay, chi phí duy trì để giữ cho ĐCSTQ không sụp ngày càng cao. Nếu vẫn muốn tiếp tục duy trì làm như vậy, "năm tới tình hình của ông Tập Cận Bình sẽ càng khó khăn hơn".
VietBF@ sưu tầm.