Chuyên gia lo ngại việc Hạ viện Mỹ nỗ lực phế truất TT Trump có thể làm bùng phát trở lại chiến tranh thương mại để đánh lạc hướng công chúng khỏi quá trình xem xét bãi nhiệm ông.
Trung Quốc đến nay vẫn từ chối bình luận về việc Hạ viện Mỹ thông qua xem xét bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump ngày 18/12. Nhưng giữa lúc hai nước đang nỗ lực đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại, giới quan sát cho rằng các cuộc thảo luận có thể đối diện những trở ngại mới. Quá trình xem xét bãi nhiệm nhiều khả năng còn khiến Trump xao lãng trong việc giải quyết xung đột thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới và làm xói mòn uy tín của chính quyền Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.
"Quan điểm của người Trung Quốc là Trump đã phung phí vốn liếng chính trị của mình và sẽ không thể hoàn thành việc gì tại quốc hội. Trump cũng đang rơi vào một tình huống khó khăn và bị phân tâm rõ ràng bởi quá trình xem xét bãi nhiệm đang diễn ra để rồi cuối cùng dẫn tới một phiên xét xử tại Thượng viện", James Zimmerman, đối tác tại văn phòng Bắc Kinh của hãng luật Perkins Coie, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, nhận định.
Theo ông, Trump giờ đây "không thể tập trung và dành thời gian tử tế" để xử lý hàng loạt vấn đề khác nhau, bao gồm cả các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
"Kịch bản tồi tệ nhất là Trump sẽ châm ngòi lại chiến tranh thương mại nhằm hướng sự chú ý của công chúng khỏi quá trình xem xét bãi nhiệm ông", Zimmerman nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/12 cho biết quá trình xem xét bãi nhiệm Trump là vấn đề nội bộ của Mỹ nên không bình luận. Bộ Thương mại Trung Quốc trong khi đó vẫn khẳng định hai bên đang liên lạc chặt chẽ về việc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một nhằm giải quyết các khác biệt dẫn tới hàng loạt thuế quan áp lên hàng hóa mỗi bên trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ này cũng từ chối bình luận về quá trình xem xét bãi nhiệm Trump cũng như việc nó ảnh hưởng tới đàm phán thương mại Mỹ - Trung như thế nào.
Lu Xiang, nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đánh giá việc bị xem xét bãi nhiệm "không phải đòn giáng chí mạng" đối với Trump nhưng nó chắc chắn sẽ khiến ông lơ là tập trung và trì hoãn giải quyết những thách thức mới mà chính quyền phải đối mặt, qua đó làm chậm tiến trình xử lý tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
"Điều quan trọng với Trung Quốc là thỏa thuận thương mại phải có lợi cho cả đôi bên và đảm bảo xuống thang thương chiến", Lu bình luận.
Mỹ xác nhận sẽ giảm nhẹ một số mức thuế đánh lên hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc cho biết bắt đầu từ ngày 26/12, họ sẽ miễn thuế một năm cho 6 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Bắc Kinh đồng thời cho hay sẽ công bố danh sách miễn trừ thuế mới vào thời điểm thích hợp.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo Mỹ và Trung Quốc sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào đầu tháng 1/2020. Ông thêm rằng thỏa thuận đã hoàn tất và chỉ đang trải qua những bước "trau chuốt" cuối cùng. Bộ trưởng Mnuchin đảm bảo sẽ không có chuyện thỏa thuận bị đàm phán lại.
"Chúng tôi đang tiến hành các bước kỹ thuật, nơi một lần nữa thỏa thuận được phiên dịch", ông nói. "Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ thay đổi nào. Chúng tôi sẽ ký thỏa thuận vào đầu tháng một".
Theo giới phân tích, bất kể kết quả của quá trình xem xét bãi nhiệm Trump ra sao, Bắc Kinh và Washington hiện tham gia vào một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế, chính trị vượt xa khỏi nhiệm kỳ tổng thống của Trump, ngay cả nếu ông có tái đắc cử.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước là một khởi đầu tốt nhưng thế đối đầu Mỹ - Trung sẽ không thể biến mất trong ngắn hạn, Fan Gang, giám đốc Viên Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, trụ sở ở Bắc Kinh, nhận xét. Các vấn đề sẽ không thể được giải quyết trong 5 hoặc 10 năm nữa, vì thế một tầm nhìn dài hạn là điều vô cùng cần thiết, ông nhấn mạnh.
VietBF © sưu tầm