Năm 1999, một phụ nữ 87 tuổi người Anh tổ chức cuộc họp báo trước nhà để thông báo rằng trong gần bốn thập kỷ, bà đã làm việc như một điệp viên của Liên Xô.
Melita Norwood là điệp viên người Anh phục vụ lâu nhất cho Liên Xô. Từ Thế chiến II đến Chiến tranh Lạnh, bà đã đánh cắp bí mật hạt nhân từ văn phòng nơi mình làm thư ký và chuyển chúng đến Matxcơva. Norwood "bước ra ánh sáng" vì một nhà sử học Cambridge phát hiện ra hoạt động gián điệp của bà khi đang viết một cuốn sách, nhưng bà nói không hề hối hận. "Trong cùng hoàn cảnh, tôi biết rằng tôi sẽ làm điều tương tự một lần nữa."
Norwood (ngoài cùng bên trái) và gia đình. (Ảnh: Martin Pope/Camera Press/Redux)
Norwood bắt đầu sự nghiệp tình báo vào những năm 1930, khi đang làm thư ký cho Hiệp hội nghiên cứu kim loại không chứa sắt ở London. Hiệp hội nghe có vẻ vô hại này thực sự là một phần của dự án nghiên cứu vũ khí hạt nhân bí mật với Mỹ có tên là Tube Alloy.
Khi không ai nhìn thấy, Norwood sẽ lẻn vào văn phòng của ông chủ, mở két sắt và chụp ảnh các tài liệu bí mật bên trong. Bà sau đó chuyển máy ảnh cho người liên lạc trong KGB, người biết bà với tên mật hiệu là "Hola".
Các chuyên gia vẫn tranh luận về việc bà thực sự đã giúp đỡ thế nào cho chương trình hạt nhân của Liên Xô. Bà tiếp tục gửi những hồ sơ bí mật này cho đến đầu những năm 1970, khi "nghỉ hưu" công việc điệp viên. Năm 1979, bà và chồng, người biết hoạt động gián điệp này nhưng không tán thành, đến thăm Matxcơva và bà được trao tặng Huân chương Cờ đỏ. Bà nhận giải thưởng danh dự, nhưng từ chối phần thưởng tài chính.
Mona Maund, một trong những nữ điệp viên MI5 (cơ quan an ninh Anh) đầu tiên, từng xác định Norwood có thể là điệp viên vào những năm 1930, khi Norwood ở những ngày đầu sự nghiệp tình báo. Nhưng cấp trên bác bỏ thông tin này vì không nghĩ rằng phụ nữ có thể là gián điệp tốt. Các sếp của Norwood cũng nghi ngờ về mối quan hệ của cô với Đảng Cộng sản, nhưng trong nhiều thập kỷ làm việc, họ không bao giờ xác định cô là gián điệp. Tình báo Anh chỉ xác nhận bà là gián điệp vào những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ.
Cựu sĩ quan KGB Vasili Mitrokhin sang Vương quốc Anh và giao nộp thông tin lưu trữ về gián điệp của Liên Xô. Các tài liệu này tiết lộ thân phận gián điệp của Norwood, nhưng các quan chức Anh giữ bí mật vì họ không nghĩ rằng có đủ bằng chứng để truy tố.
Năm 1996, chính phủ quyết định rằng thông tin trong các báo cáo của Mitrokhin nên được cung cấp cho công chúng, và chuyển chúng cho giáo sư Cambridge, Christopher Andrew, để viết sách. Bí mật của Norwood, cuối cùng xuất hiện vào tháng 9/1999, khi The Times of London bắt đầu xuất bản sách của Andrew.
Những tiết lộ được đưa ra hoàn toàn bất ngờ đối với con gái của Norwood, Anita Ferguson, người không biết mẹ mình là gián điệp cho đến khi cô đọc trên báo.
Tuần sau, nhà văn David Burke đến thăm bà và kể lại trong một cuốn sách về việc bà nhắc đi nhắc lại "Tôi cứ nghĩ là mình thoát vụ đó rồi". Thực tế, đúng là bà đã "thoát" thật vì ngay cả khi sự thật được tiết lộ, chính phủ Anh vẫn từ chối truy tố bà.
Norwood qua đời năm 2005, nhưng công chúng vẫn rất quan tâm đến câu chuyện của bà. Năm 2013, tác giả Jennie Rooney viết cuốn tiểu thuyết Red Joan chủ yếu dựa trên câu chuyện cuộc đời Norwood. Tháng 4/2019, một bản chuyển thể điện ảnh được chiếu ở Anh và Mỹ.
VietBF © sưu tầm