Tiền đái tháo đường nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển thành tiểu đường tuýp 2, biến chứng giảm thị lực, mù lòa, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận, đoạn chi.
Tiền đái tháo đường là tình trạng cơ thể có nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là bệnh.
"Trong các biến chứng mạch máu lớn của đái tháo đường, biến chứng trên tim mạch là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất ở bệnh nhân này với 2 biểu hiện lâm sàng là bệnh mạch vành và đột quỵ", giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết hôm 23/11.
Bệnh nhân tiền đái tháo đường đang gia tăng nhanh ở Việt Nam. Theo điều tra dịch tễ năm 2012, tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường cao hơn gấp đôi so với đái tháo đường (13,7% so với 5,4%). Kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, gần 69% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ số đường huyết người mắc tiền đái tháo đường được xác định ở mức 100 - 125mg/dL so với mức = 126mg/dL ở người mắc tiểu đường.
Khi bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường, các biến chứng mạch máu lớn đã tồn tại từ trước đó, trong giai đoạn tiền đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nguy cơ tim mạch tăng 20% ở người tiền đái tháo đường so với người bình thường. Kiểm soát đường huyết trở về bình thường sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng chân được bác sĩ kiểm tra. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.
Thống kê từ các nghiên cứu thì 11% người tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường mỗi năm. 15-30% người tiền đái tháo đường sẽ mắc tiểu đường trong vòng 5 năm, ước tính tỷ lệ này lên đến 50% trong vòng 10 năm.
"Thông thường, phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ có 20-60% nguy cơ tiến triển thành tiểu đường trong vòng 5-10 năm sau khi mang thai", ông Dàng nói.
Bệnh có thể hồi phục, thông qua điều chỉnh lối sống dựa trên chế độ ăn uống lành mạnh và tăng mức độ hoạt động thể chất. Người mắc tiền đái tháo đường vẫn có cơ hội làm chậm quá trình diễn tiến thành bệnh và thậm chí là quay trở lại mức đường huyết bình thường. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị ngay từ giai đoạn sớm rất quan trọng.
Nhóm nên đi tầm soát tiền đái tháo đường là người trên 45 tuổi, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ và người thừa cân, béo phì. Mọi người cũng cần can thiệp lối sống bao gồm hoạt động thể lực 150 phút một tuần, giảm cân và duy trì cân nặng phù hợp, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ít chất béo, ngưng hút thuốc lá. Nếu vẫn không kiểm soát được đường huyết với các biện pháp thay đổi lối sống trong vòng 3-6 tháng, có thể cần điều trị bằng thuốc.
Từ tháng 11/2019 đến 2020, Chương trình tầm soát tiền đái tháo đường vì phúc lợi bệnh nhân, do Hội Nội tiết - đái tháo đường và Merck Việt Nam thực hiện sẽ giúp bệnh nhân chẩn đoán sớm bệnh. Chương trình tổ chức tại 6 bệnh viện lớn, bao gồm Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, Trung ương Huế, Nội tiết Nghệ An, Nội tiết Trung ương và Tim Hà Nội. Những người có nguy cơ cao như thừa cân, tăng huyết áp, gia đình có tiền sử bệnh, rối loạn mỡ máu... nên đi tầm soát.
VietBF © sưu tầm