Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết tổng nợ toàn cầu đạt mức 250,9 nghìn tỷ USD vào cuối giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019, và sẽ vượt mốc 255 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay.
Theo một báo cáo mới, nợ toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục với hơn 250 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm nay, trong đó Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia đi vay nhiều nhất. Bản báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) phát hành hôm 14/11, cho thấy nợ toàn cầu đã tăng 7,5 nghìn tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019. Tổ chức này cho biết tổng nợ đạt mức 250,9 nghìn tỷ USD vào cuối giai đoạn này, và sẽ vượt mốc 255 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay.
IIF viết trong bản báo cáo: "Mỹ và Trung Quốc chiếm tới hơn 60% trong mức tăng này. Tương tự, nợ tại các thị trường mới nổi cũng chạm mức kỷ lục mới là 71,4 nghìn tỷ USD (tương đương 220% GDP). Khi tốc độ gia tăng của nợ có rất ít dấu hiệu sẽ chậm lại, chúng tôi ước tính tổng nợ sẽ vượt con số 255 nghìn tỷ USD vào năm nay."
Tình trạng gia tăng của nợ diễn ra trên toàn thế giới đã là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư và cũng được coi xem là mức tăng đột biến so với con số mà các kinh tế gia đưa ra. Lãi suất thấp kỷ lục cũng tạo điều kiện các doanh nghiệp và quỹ đầu tư quốc gia đi vay cực kỳ dễ dàng.
IIF cho hay: "Tuy nhiên, khi quy mô của việc nới lỏng chính sách tiền tệ đang thu hẹp dần ở nhiều nơi trên thế giới, các quốc gia có mức nợ cao (như Italy, Lebanon), cũng như quốc gia có nợ chính phủ đang tăng nhanh (Argentina, Brazil, Nam Phi và Hy Lạp), có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi chuyển sang sử dụng biện pháp kích thích tài khoá."
Hồi tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gia tăng cảnh báo về tình trạng nợ doanh nghiệp leo lên mức cao hơn, vốn đã chịu ảnh hưởng tiêu cực vì động thái hạ lãi suất liên tiếp của các ngân hàng trung ương. IMF cho hay, gần 40%, tương đương khoảng 19 nghìn tỷ USD, nợ doanh nghiệp ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha sẽ gặp nguy cơ vỡ nợ trong trường hợp một cuộc suy thoái khác xảy ra.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương dường như không quá lo ngại về tình trạng nợ gia tăng. Hôm thứ Năm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Jerome Powell, phát biểu rằng ông không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy "quả bong bóng" chuẩn bị vỡ tung hay sự nguy cấp do tình trạng thâm hụt hàng nghìn tỷ USD gây ra. Ông nói tại phiên điều trần trước Uỷ ban Ngân sách Hạ viện: "Nếu bạn nhìn vào nền kinh tế hiện tại, thì không có sự bùng nổ nào sẽ xảy ra. Nói một cách khác, đó là một cục diện khá bền vững."
Dẫu vậy, bản báo cáo của IIF lại cho thấy một bức tranh khác. Tổ chức này cho biết nợ chính phủ trên toàn cầu sẽ vượt mức 70 nghìn tỷ USD vào năm 2019, trong khi năm 2018 là 65,7 nghìn tỷ USD, do nợ chính phủ của Mỹ tăng mạnh.
Báo cáo này viết: "Đà tăng mạnh của nợ toàn cầu trong thập kỷ qua - hơn 70 nghìn tỷ USD, chủ yếu là do tổng nợ chính phủ và từ khu vực phi tài chính (mỗi lĩnh vực tăng khoảng 27 nghìn tỷ USD). Ở các thị trường đã phát triển, sự gia tăng chủ yếu là do nợ chính phủ (tăng từ 17 nghìn tỷ USD lên 52 nghìn tỷ USD). Tuy nhiên, đối với các thị trường mới nổi, phần lớn là do nợ doanh nghiệp phi tài chính (từ 20 nghìn tỷ USD tăng lên hơn 30 nghìn tỷ USD)."
Hơn nữa, IIF cũng nhắc đến tầm ảnh hưởng sâu rộng của thị trường trái phiếu là nguyên nhân khiến tổng nợ gia tăng. Thị trường trái phiếu toàn cầu tăng trưởng từ con số 87 nghìn tỷ USD vào năm 2009 lên hơn 115 nghìn tỷ USD tính đến giữa năm 2019. Đà tăng trưởng này có thể dễ dàng nhận thấy ở thị trường trái phiếu chính phủ, hiện chiếm 47% thị trường trái phiếu toàn cầu, trong khi năm 2009 là 40%. Các nhà nghiên cứu nhận định: "Thị trường trái phiếu tăng trưởng nhanh nhất ở các thị trường mới nổi, tăng hơn 17 nghìn tỷ USD lên gần 28 nghìn tỷ USD từ năm 2009."
Thị trường trái phiếu toàn cầu, đặc biệt là loại tài sản được coi là "hầm trú ẩn" an toàn ví dụ như trái phiếu Kho bạc Mỹ, gần đây đã rất "đông đúc" vì nhà đầu tư rót tiền mạnh vào đây, trong bối cảnh những bất ổn liên quan đến Brexit, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump.
VietBF © sưu tầm