11/09/19
Báo cáo của hãng Pháp Lý về Passport Henley & Pertners cho thấy khoảng vài nghìn người trung lưu và giàu có chi tổng cộng 2 tỷ USD mỗi năm để trở thành công dân của một nước khác. Phần lớn khách hàng đến từ Trung Quốc, Nga và Trung Đông.
Anh Jalal là một giám đốc công ty viễn thông người Iraq, thành thạo tiếng Anh và có bằng đại học Harvard. Vợ của Jalal là một bác sĩ phẫu thuật và cả 2 đều có đam mê du lịch. Tuy nhiên, hộ chiếu Iraq của họ lại thường gây rắc rối với những chuyến du lịch.
Cách đây vài năm, Jalal và vợ đã đăng ký trở thành công dân của Antigua, một quốc gia nhỏ bé ở vùng biển Caribbean nhưng có thể cho cặp đôi này thoải mái du lịch đến 130 quốc gia khác nhau. Sau 10 tháng kiểm tra cùng vài trăm nghìn USD đầu tư bất động sản cho quốc đảo này, cặp vợ chồng giờ đây đã có thể du ngoạn tại hầu hết các nước Châu Âu mà không phải lo lắng về thị thực.
Với quá trình toàn cầu hóa và nhu cầu du lịch ngày một cao, việc kinh doanh Passport, thị thực đang ngày càng làm ăn phát đạt trước mong muốn vượt qua rào cản quốc tịch của người dân các nước. Tuy nhiên, liệu ngành kinh doanh này có tạo lỗ hổng cho những kẻ tội phạm thâm nhập vào một nước?
Theo hãng tư vấn về Passport và thị thực Borderpol, chỉ khoảng 1% khách hàng trong ngành này là những kẻ tội phạm hoặc có mục đích rửa tiền trong khi 99% còn lại là những du khách hoặc những người muốn rời bỏ quê hương, nơi có nền chính trị hoặc môi trường sống kém hơn.
Báo cáo của hãng Henley&Pertners cho thấy khoảng vài nghìn người trung lưu và giàu có chi tổng cộng 2 tỷ USD mỗi năm để trở thành công dân của một nước khác. Phần lớn khách hàng đến từ Trung Quốc, Nga và Trung Đông. Đây mới chỉ tính những người mua "quốc tịch" theo đường chính thống chứ chưa nói đến dòng người nhập cư bất hợp pháp.
Chuyên gia Eric Major từng làm tại HSBC thì cho biết lượng khách hàng trong ngành này đang tăng nhanh. Các đối tượng khách hàng có tài sản từ 1-100 triệu USD có nhu cầu trở thành công dân nước khác đang tăng trưởng 15-20%/năm. Với những người này, việc chi vài trăm nghìn USD để tự do đi lại với nước khác chẳng đáng kể.
Đặc biệt trong tình hình địa chính trị ngày càng bất ổn như hiện nay, nhu cầu trở thành công dân nước khác đang tăng chóng mặt. Ví dụ như Nam Phi, quốc gia này đang ngày càng có nhiều người muốn trở thành công dân nước khác khi rất nhiều nước hạn chế cho nhập cảnh nhằm phản đối những chính sách hiện tại của chính phủ Nam Phi. Mặt khác, một số nước do bị hạn chế đi lại trước chính sách chống khủng bố cũng phải nhờ cậy ngành này để du lịch hoặc kinh doanh.
Hiện nay, khoảng 30-40 quốc gia đang có những chương trình công dân như vậy nhằm đáp ứng nhu cầu của các du khách, trong khi khoảng 60 nước chấp nhận cấp hộ chiếu cho công dân nước khác nếu họ chịu đầu tư.
Loại hình dịch vụ cho mảng này cũng khá đa dạng, từ việc chấp nhận quyên góp thẳng bằng tiền mặt cho đến phải mua trái phiếu chính phủ, bất động sản. Một số nước nhắm đến lợi ích dài hạn khi chỉ khuyến khích những doanh nhân đến mở công ty làm ăn, tạo thêm việc làm và thúc đẩy kinh tế.
Mức giá cho loại hình dịch vụ này cũng không có định, có thể từ 10.000 USD (cho công dân Thái theo tờ Economist) cho đến 10 triệu USD (cho công dân Anh). Thậm chí tại nhiều nước, khoản đầu tư ban đầu này có thể được rút ra sau vài năm.
Trong thị trường kinh doanh công dân này, những quốc đảo Caribbean là nơi được nhiều người hướng đến nhất. Với dân số và diện tích quá bé, kinh tế kém phát triển nhưng lại từng là thuộc địa của nhiều nước tư bản khiến khu vực này có thể đi lại tự do với nhiều nước và trở thành nơi cung cấp chính cho ngành này.
Do dân số thấp, những nước phát triển cảm thấy không cần phải giới hạn công dân của họ nhập cảnh, ngược lại những quốc gia này lại cần nguồn vốn từ các du khách, hệ quả là một thị trường kinh doanh hộ chiếu được hình thành. Ví dụ như quốc đảo St Kitts and Nevis tại Caribbean đã bán được hơn 10.000 hộ chiếu với giá hơn 250.000 USD/hộ chiếu, một nguồn thu đáng kể cho quốc gia chỉ có 55.000 người và GDP vào khoảng 1 tỷ USD này.
Không chịu kém cạnh, nước gần đó là Dominica cũng bán hơn 2.000 hộ chiếu mỗi năm với mức giá thấp nhất là 100.000 USD. Năm 2017, khoảng 148 triệu USD trong tổng số 340 triệu USD ngân sách của nước này đến từ chương trình "bán" hộ chiếu.
Trong khi đó, Antigua cho biết việc bán Passport giúp quốc đảo này tránh được tình trạng vỡ nợ do không có nhiều nguồn thu để trả cho các khoản vay quốc tế.
Ngày càng nhiều nước tham gia
Không riêng gì các quốc gia nghèo ở vùng Caribbean, nhiều nước trong Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang tích cực kinh doanh ngành bán hộ chiếu khi nhu cầu nhập cảnh vào đây tăng cao. Ví dụ như đảo Síp, chính phủ nơi đây quảng cáo du khách có thể trở thành công dân EU chỉ trong vài tháng và có thể nhận được tất cả những quyền lợi công dân EU đáng được hưởng. Hấp dẫn hơn, khách hàng không phải sống trường kỳ trên quốc đảo này cũng như không phải chứng minh khả năng giao tiếp ngoại ngữ của mình.
Đối với các doanh nghiệp, đảo Síp cũng có chính sách thuế khá hấp dẫn nhằm thu hút các công ty không muốn muốn đóng quá nhiều tiền thuế cho nước sở tại.
Tất nhiên, mức giá cho dịch vụ này không hề rẻ, vào khoảng 2 triệu Euro đầu tư vào chứng khoán hoặc bất động sản và phần lớn khách hàng đến từ Nga hay Trung Quốc.
Hiện khá nhiều nước cũng đang rục rịch tham gia ngành kinh doanh béo bở này. Ví dụ như Montenegro, quốc gia có thể gia nhập EU vào năm 2022, đã quyết định thực hiện chương trình "bán" Passport cho những người quan tâm.
Không riêng gì các nước nhỏ, nhiều cường quốc cũng sử dụng những chính sách hộ chiếu nhằm thu hút đầu tư. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là chương trình visa EB5 của Mỹ khi nhà đầu tư có thể trở thành công dân nước này nếu đầu tư 1 triệu USD và tạo công ăn việc làm tại đây.
Tuy nhiên, việc quá nhiều bê bối gây ra từ những người mang hộ chiếu của các nước kinh doanh trên lại đang hủy hoại ngành bán hộ chiếu. Rất nhiều quan chức Iran nằm trong lệnh cấm vận của Phương Tây vẫn nhập cảnh được và bị bắt khi mang trên người hộ chiếu của St Kitts. Tương tự, nghi phạm Jho Low liên quan đến vụ bê bối 1MDB tại Malaysia cũng có hộ chiếu của St Kitts.
Có thể nói, xu thế nhập cư, di cư của dòng người trên thế giới là không thể ngăn chặn khi còn sự chênh lệch về giàu nghèo, tiêu chuẩn sống, nền tảng giáo dục cũng như bất ổn chính trị. Thêm vào đó, xu hướng toàn cầu hóa cùng sự phát triển của công nghệ liên lạc, mạng xã hội khiến nhu cầu di cư ngày càng được đẩy cao.
Bởi vậy, thị trường này ngày càng thu hút nhiều đối tượng tham gia, từ những kẻ buôn người cho đến những quốc gia nghèo muốn có thêm nguồn thu. Rõ ràng, việc giải quyết những kẻ buôn người hay siết chặt các quy định về nhập cư sẽ chỉ là phần ngọn, trong khi nâng mức sống của người dân, tạo cơ hội việc làm và phát triển, ổn định xã hội mới là biện pháp lâu dài
Theo AB