Nhiều người Việt Nam vì muốn thoát nghèo mà rời bỏ quê hương đến xứ người làm việc. Có người đi thành công có tiền gửi về cho gia đình, đóng góp từ thiện cho làng xã. Có người mất số tiền lớn mà vẫn chưa đi được.
Làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 3 thôn với khoảng 8.000 người. Theo thống kê, đến nay có khoảng nửa dân số của làng đang định cư ở các nước như Mỹ, Canada, Úc. Đến làng An Bằng, người ta có thể thấy sự giàu có bởi những căn nhà xây như biệt phủ nhưng thưa bóng người; những khu mộ tiền tỉ hoành tráng.
Mộng đổi đời
Ông Hoàng Đình Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh An, nói con em địa phương ở nước ngoài đã giúp đỡ quê hương khá nhiều trong việc xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học. Mỗi năm ở địa phương có khoảng 15-20 gia đình qua định cư ở nước ngoài theo diện đoàn tụ, kết hôn; cũng có khá nhiều người móc nối với những đường dây trốn đi nước ngoài trái phép nhưng bị lừa, lâm vào cảnh nợ nần.
Vợ chồng ông Lại Đình Thoáng (SN 1978) và bà Văn Thị Lan sống ở thôn Trung Định Hải thuộc làng An Bằng là một trong số những người đó. Ông Thoáng giữ xe ở chợ, bà Lan bị ung thư đại tràng, phải xạ trị nhiều lần. Lại Đình T. (SN 1998), con trai lớn của vợ chồng ông, lái taxi ở sân bay Phú Bài nhưng thu nhập bấp bênh. Nghe nhiều người mách bảo, ông tìm gặp Nguyễn Văn Chương (ở cùng thôn) để tìm đường cho con qua Mỹ định cư trái phép theo cách xin visa đi du lịch rồi trốn ở lại. Chương nói nếu đi thường giá 55.000 USD nhưng mất thời gian; đi dạng VIP khoảng 70.000 USD, chỉ cần lên máy bay, khi đến Mỹ sẽ có người đón. "Chương giải thích đi đường VIP sẽ được mua quốc tịch Trung Quốc để đến Chile, sau đó mua quốc tịch nước này rồi mua visa Mỹ, có người đón khi máy bay hạ cánh. Tiền nộp theo từng đợt. Đi không được sẽ hoàn tiền, không thiếu một đồng" - ông Thoáng kể.
Tháng 12-2018, Chương thông báo chỉ còn 2 vé VIP, phải quyết định nhanh. Vợ chồng ông Thoáng vay mượn tiền, đến nhà Chương đặt cọc 5.000 USD cho con trai đi. Trong giấy thu tiền viết bằng tay, Chương ghi là người thu hộ cho công ty.
Ngày 27-12-2018, Chương điện thoại bảo ông Thoáng mua một bộ đồ vest, vali, làm thẻ visa ngân hàng có số tiền 5.000 USD và chuẩn bị 10.000 USD để qua Mỹ chung tiền. Sáng 29-12-2018, trên đường từ bến xe ra sân bay Nội Bài, một cô gái đưa cho Chương "giấy" để Lại Đình T. qua Mỹ rồi nhanh chóng biến mất.
Hành trình bị lừa
Lại Đình T. kể lại sau khi làm thủ tục an ninh, anh cùng 2 người trong làng và một người ở Nghệ An được một cô gái giới thiệu là người của công ty Chương làm việc, theo máy bay dẫn qua Mỹ.
"Sau khi máy bay hạ cánh xuống Malaysia, chúng tôi lên chuyến khác bay qua Dubai (UAE), tiếp đó qua Chile, ở lại đây khoảng 12 ngày trong khách sạn, tôi nộp cho họ 9.000 USD" - anh T. kể lại. Trong lúc đó, ở nhà, ông Thoáng bị Chương "thu hộ" thêm 16.000 USD.
Không phải ngay lập tức đến Mỹ như kế hoạch Chương "vẽ" ra, nhóm của T. phải lên tiếp chuyến bay đến Ecuador. Tại đây, nhóm tiếp tục tá túc tại một nhà nghỉ hơn 10 ngày.
Nghe T. điện thoại từ Ecuador về kể tình hình không như Chương cam kết, vợ chồng ông Thoáng tức tốc tìm đến hỏi Chương nhưng được trấn an: "Cháu nó mà về quê lại thì ngay lập tức em trả lại tiền cho anh chị".
Ngay sau đó, T. cùng với 1 người được chở ra sân bay để rời Ecuador đến Cuba. "Họ đưa cho chúng tôi 2 tấm vé máy bay sang Cuba. Chúng tôi chờ 10 tiếng không thấy chuyến bay nào, cầm vé đi hỏi nhân viên sân bay thì được trả lời vé giả. Tôi liên lạc với đường dây của Chương không được, không biết liên lạc với ai, chúng tôi tìm cách liên hệ lại với nhóm người cùng đi với mình rồi đón xe quay về lại nhà nghỉ" - T. kể lại.
Ở quê nhà, ông Thoáng tiếp tục gặp Chương yêu cầu phải thực hiện như thỏa thuận ban đầu. Hôm sau, T. và một người cùng làng được bố trí bay qua Cuba bằng visa du lịch và phải nộp cho đường dây của Chương thêm 1.000 USD. Qua đến Cuba, họ được bố trí ở trong căn nhà chật chội, bẩn thỉu. Cuối tháng 2-2019, họ phải nhờ người đưa đến Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba giúp đỡ mua vé máy bay về nước.
Theo ông Thoáng, tổng cộng ông đưa Chương 31.000 USD, thêm 5.000 USD cho con làm lộ phí. Sự việc bất thành, ông Thoáng đòi lại tiền nhưng Chương né tránh và phủi trách nhiệm nên ông làm đơn tố cáo.