Việc Kim Jong-un cưỡi bạch mã lên núi thiêng là có ẩn ý riêng. Việc Triều Tiên công bố hình ảnh ông Kim cưỡi bạch mã trên núi Paektu dường như báo hiệu một bước biến đổi lớn sắp diễn ra.
Các cố vấn của Kim Jong-un tin rằng lãnh đạo Triều Tiên đang lên kế hoạch "cho một chiến dịch lớn lao", hãng thông tấn KNCA cho biết trong bản tin đăng ngày 16/10 kèm những hình ảnh ông Kim oai phong cưỡi một con bạch mã trên đỉnh núi Paektu, ngọn núi thiêng liêng nhất nước này, xung quanh phủ tuyết trắng xóa.
"Ngồi trên lưng ngựa ở đỉnh Paektu, Chủ tịch trầm ngâm nhớ lại con đường đấu tranh gian khổ vì công cuộc xây dựng đất nước hùng mạnh nhất, bằng niềm tin và ý chí vững chắc như đỉnh núi thiêng Paektu", bài viết có đoạn.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cưỡi ngựa trắng trên núi Paektu. Ảnh: KCNA.
"Chứng kiến những khoảng khắc tuyệt vời khi Chủ tịch suy tưởng trên đỉnh Paektu, tất cả các quan chức tháp tùng ông đều bị thuyết phục với cảm xúc và niềm vui dâng trào rằng Triều Tiên lại sắp có một chiến dịch lớn lao để gây bất ngờ với thế giới và tiến thêm một bước trên con đường cách mạng của Triều Tiên", KCNA nhấn mạnh.
Hiện chưa rõ "chiến dịch lớn lao" này là gì nhưng lãnh đạo Kim Jong-un thường tới thăm núi Paektu khi chuẩn bị thực hiện những mục tiêu chính sách quan trọng.
Paektu, ngọn núi dạng núi lửa nằm ở biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc, có độ cao gần 2.750 mét. Nơi đây có một vị trí đặc biệt trong lịch sử và văn hóa Triều Tiên, được cho là nơi sinh của cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha Kim Jong-un.
Giới phân tích nhận định hình ảnh ông Kim Jong-un cưỡi ngựa trên đỉnh núi thiêng tuyết trắng tượng trưng cho hình tượng Triều Tiên đứng lên chống lại các lệnh trừng phạt quốc tế và áp lực đối với chương trình hạt nhân và nguyên tử mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi.
"Đây là một lời tuyên bố, tượng trưng cho sự thách thức", Joshua Pollack, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, Mỹ, nhận xét. "Thời kỳ nỗ lực gỡ bỏ trừng phạt đã qua. Không có gì được làm rõ ở đây nhưng nó bắt đầu đặt ra những kỳ vọng mới về phương hướng chính sách cho năm 2020".
Cuối năm 2017, ông Kim tới thăm núi Paektu vài ngày sau khi Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của mình và vài tuần trước khi ông có bài phát biểu năm mới quan trọng, qua đó mở ra cánh cửa hợp tác với Hàn Quốc hướng tới mục tiêu xây dựng hòa bình dài lâu trên bán đảo.
Năm ngoái, ông đưa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên đỉnh núi trong một hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa hai người.
Từ đó tới nay, mối quan hệ với Hàn Quốc đã dần nguội lạnh và lãnh đạo Triều Tiên từng tuyên bố ông sẽ chỉ chờ tới cuối năm nay để Mỹ thay đổi lập trường trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, nếu không Bình Nhưỡng sẽ đi theo một con đường mới, nhưng không được tiết lộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn những lời hoa mỹ của KCNA trong bản tin đều xoay quanh vấn đề kinh tế. Họ đồng thời suy đoán Bình Nhưỡng có thể sớm thực hiện một vụ phóng vệ tinh lên vũ trụ. Nó sẽ cho phép Triều Tiên khoe sức mạnh kinh tế và công nghệ theo cách ít gây khiêu khích hơn so với việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Ngôn ngữ trong bản tin ngày 16/10 cho thấy ông Kim có khả năng "đang suy ngẫm về những quyết định chính sách lớn", Rachel Minyoung Lee, nhà phân tích tại NK News, trang tin chuyên theo dõi các hoạt động ở Triều Tiên, bình luận.
"Bản tin mô tả việc ông Kim lên núi Paektu trên lưng ngựa giống như một 'huyền thoại' mới, kết hợp với hình ảnh của ông ấy trên lưng ngựa trắng, dường như được xây dựng nhằm tạo hiệu ứng tuyên truyền tối đa, tôi tin rằng truyền thông Triều Tiên sẽ hoạt động tích cực trong những ngày sắp tới", Lee nói.