Robot thám hiểm mặt trăng đang được Anh phát triển. Robot nhện chỉ nặng 1,5 kg của công ty hàng không vũ trụ SpaceBit dự định phóng lên Mặt Trăng năm 2021.
Mẫu robot thám hiểm Mặt Trăng của công ty Anh SpaceBit. Ảnh: Independent.
Nếu robot hạ cánh thành công, Anh sẽ trở thành nước thứ 4 đưa robot lên Mặt Trăng sau Mỹ, Nga và Trung Quốc, Independent hôm 12/10 đưa tin. Đầu năm nay, một công ty tư nhân Israel cũng phóng tàu vũ trụ lên Mặt Trăng nhưng thất bại. Con tàu gặp trục trặc và đâm thẳng xuống thay vì tiếp đất an toàn.
"Mục tiêu của chúng tôi là tới Mặt Trăng và quan sát xem trên đó có gì để con người khám phá", Pavlo Tanasyuk, nhà sáng lập SpaceBit, cho biết. Khác với các robot thám hiểm thường gắn bánh xe hoặc bánh xích, mẫu robot mới được trang bị 4 chân mảnh giống như nhện. Sự khác biệt này sẽ giúp nó chui vào các hố dung nham, điều chưa robot nào làm được.
Tên lửa Vulcan Centaur sẽ đưa Peregrine, trạm đổ bộ của công ty Astrobotic, lên Mặt Trăng. Peregrine mang theo robot nhện cùng một số thiết bị khác, dự kiến hạ cánh gần vùng tối Serenitatis, hay Biển Serenity, vào tháng 6 hoặc tháng 7/2021.
Khi trạm đổ bộ tiếp đất, robot SpaceBit sẽ được thả xuống, bắt đầu di chuyển trên bề mặt Mặt Trăng để đo đạc và thu thập dữ liệu. Robot chạy bằng pin nhưng có thêm một tấm quang năng nhỏ để tận dụng năng lượng Mặt Trời. Robot cũng trang bị hai camera có thể chụp ảnh selfie.
"Sau khi hạ cánh, robot sẽ khám phá bề mặt Mặt Trăng và chúng tôi hy vọng nó có thể chui vào các hố dung nham, khám phá môi trường ở đó. Chúng tôi trông đợi nhiệt độ bên trong ổn định và phù hợp cho các nhiệm vụ tương lai của con người. Địa hình trong hố dung nham khá gồ ghề nên không thể dùng bánh xe. Đó là lý do chúng tôi phải thiết kế chân cho robot", Tanasyuk giải thích.
Robot nhện có thể chịu nhiệt độ từ -130 đến 130 độ C. "Robot sẽ hoạt động khoảng 10 ngày trước khi tiến vào đêm Mặt Trăng và đóng băng vĩnh viễn", Tanasyuk cho biết.